Nga nói việc Đan Mạch dừng điều tra vụ nổ Nord Stream là 'vô lý'
Đan Mạch đã dừng cuộc điều tra về vụ nổ đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) năm 2022, trở thành quốc gia thứ hai sau khi Thụy Điển kết thúc cuộc điều tra riêng liên quan đến vụ việc này.
Hai đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 (Nord Stream 1 và Nord Stream 2) từ Nga sang Đức qua biển Baltic bị hư hại sau các vụ nổ hồi tháng 9/2022. Vụ việc xảy ra 7 tháng sau khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Tuyên bố của cảnh sát Đan Mạch cho rằng chưa đủ căn cứ cần thiết để theo đuổi vụ án hình sự, do đó, cảnh sát Copenhagen đã quyết định kết thúc cuộc điều tra về các vụ nổ.
Trước đó, đầu hồi đầu tháng 2/2024, Thụy Điển cũng thông báo dừng điều tra về vụ nổ nói trên với lý do nước này không có đủ thẩm quyền trong vụ việc. Tuy nhiên, Thụy Điển đã giao các bằng chứng thu được cho các nhà điều tra Đức. Đến nay các nhà điều tra Đức chưa công bố bất kỳ phát hiện nào.
Một phát ngôn viên của Chính phủ Đức cho biết, Berlin vẫn đang “rất quan tâm” tới việc đi đến tận cùng điều tra nguyên nhân của các vụ nổ.
Năm ngoái, Đức báo cáo với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc phát hiện một du thuyền có dấu vết chất nổ, bị nghi liên quan vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream hồi tháng 9/2022.
Theo các điều tra viên Đức, du thuyền này được cho thuê một cách đáng ngờ, không tiết lộ danh tính người thuê thực sự. Du thuyền này bị nghi được dùng để vận chuyển chất nổ trong vụ phá hoại đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2.
“Điều này thật vô lý. Rõ ràng là họ đang tiến gần hơn đến việc loại bỏ các đồng minh thân cận nhất của mình. Người ta chỉ có thể bày tỏ sự ngạc nhiên tột độ và không có gì khác” - RT dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với báo giới khi được yêu cầu bình luận về động thái mới nhất từ phía Đan Mạch.
Văn phòng Thủ tướng Đan Mạch chưa có phản hồi về bình luận của người phát ngôn Peskov.
Việc vận chuyển khí đốt dưới Biển Baltic qua các đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 trị giá hàng tỷ USD bị gián đoạn do hàng loạt vụ nổ tại các vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch hồi tháng 9/2022, khiến một lượng lớn khí mê-tan bị giải phóng lên không trung.
Sau vụ việc, Đan Mạch cùng Thụy Điển và Đức, 3 quốc gia gần hiện trường nhất, đã mở cuộc điều tra riêng rẽ, kết luận đây là hành động phá hoại, nhưng từ chối cho phép Nga tham gia nỗ lực tìm nguyên nhân.
Nga và phương Tây, vốn mâu thuẫn sâu sắc về chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine vào tháng 2 cùng năm, đã đổ lỗi cho nhau về các vụ nổ này. Các bên phủ nhận mọi sự liên quan và cho đến nay vẫn không có bên nào đứng ra nhận trách nhiệm.