Nga phản ứng về kế hoạch Mỹ triển khai tên lửa tầm xa tại Đức

Hãng thông tấn TASS ngày 11/7 dẫn lời Đại sứ Liên bang Nga tại Mỹ, ông Anatoly Antonov, cho biết kế hoạch triển khai vũ khí tầm xa mới tại Đức bắt đầu từ năm 2026 của Washington làm tăng khả năng xảy ra chạy đua vũ trang và có thể gây leo thang không thể kiểm soát.

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot tại sân bay ở Cologne-Wahn, miền Tây Đức ngày 23/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot tại sân bay ở Cologne-Wahn, miền Tây Đức ngày 23/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà ngoại giao Nga trên nêu rõ: Về cơ bản, đây là kế hoạch của Mỹ triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở châu Âu. Washington đang mắc phải một sai lầm nghiêm trọng. Những bước đi gây bất ổn cao độ như vậy đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc tế và ổn định chiến lược.

Ông Antonov lưu ý Mỹ đang làm tăng nguy cơ chạy đua vũ trang tên lửa và quên rằng đi theo con đường đối đầu có thể gây leo thang không thể kiểm soát trong bối cảnh căng thẳng gia tăng nguy hiểm giữa Nga - NATO.

Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Serhiy Ryabkov cho biết Điện Kremlin không hề lo lắng và sẽ đưa ra phản ứng quân sự trước mối đe dọa từ Mỹ và Đức. Ông bày tỏ quan điểm rằng những hành động này nhằm mục đích gây tổn hại đến an ninh của Nga.

Theo tuyên bố chung giữa Washington và Berlin được công bố trước đó, vào năm 2026, Mỹ sẽ bắt đầu triển khai vũ khí tầm xa ở Đức nhằm tăng cường sức mạnh cho NATO và đảm bảo phòng thủ châu Âu. Đây là bước đi mới lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Đại diện của Đức và Mỹ cho biết động thái triển khai theo đợt là để chuẩn bị cho triển khai dài hạn một số vũ khí, đặc biệt là tên lửa SM-6, tên lửa hành trình Tomahawk và trong tương lai là vũ khí siêu vượt âm, có tầm bắn lớn hơn nhiều so với các hệ thống mặt đất hiện tại ở châu Âu.

Tờ Bild của Đức viết, tên lửa hành trình của Mỹ có tầm bắn xa và phá hủy các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ của đối phương. Chúng có thể là các trung tâm chỉ huy, boongke và các cơ sở radar. Tomahawk được phóng từ bệ phóng di động, tàu nổi hoặc tàu ngầm. Tầm bắn của tên lửa hành trình này lên tới 2.500 km, điều đó có nghĩa là về mặt lý thuyết, chúng thậm chí có thể bắn tới Moskva.

Theo ấn phẩm trên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz muốn liên kết chặt chẽ lực lượng vũ trang nước này với Mỹ đến mức không một tổng thống Mỹ mới nào có thể chia tách.

Việc triển khai tên lửa trên mặt đất có tầm bắn hơn 500 km đã bị cấm cho đến năm 2019 theo Hiệp ước tên lửa tầm trung. Hiệp ước này được ký kết vào năm 1987 bởi Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Vào năm 2019, Mỹ đã rút khỏi hiệp ước.

Động thái trên của Mỹ cũng không phải là điều bất ngờ đối với Dmitry Stefanovich, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Quốc tế thuộc Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Theo ông Stefanovich, xét đến những diễn biến quân sự, chính trị, kinh tế và xã hội mới nhất trên toàn cầu, động thái này sẽ không giúp tăng cường an ninh cho bất kỳ ai.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo TASS/Bild)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/nga-phan-ung-ve-ke-hoach-my-trien-khai-ten-lua-tam-xa-tai-duc-20240711171223453.htm