Nga phát triển hệ thống xét nghiệm có thể phân biệt các đột biến virus SARS-CoV-2
Cục trưởng Cục bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người Rospotrebnadzor, bà Anna Popova ngày 28/1 cho biết đang chuẩn bị đăng ký hệ thống xét nghiệm mới có thể phân biệt chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu với các chủng virus đột biến mới.
Phóng viên TTXVN tại Moskva dẫn thông báo trên Kênh 1 truyền hình Nga của bà Popova cho biết: “Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Dịch tễ Trung ương đã phát triển hệ thống xét nghiệm mới có thể phân biệt virus gốc với các đột biến mới của virus. Hệ thống đang chuẩn bị được đăng ký”. Theo bà Popova, hệ thống xét nghiệm mới sẽ cho kết quả trong thời gian không quá 40 phút.
Được biết ngày 25/1, các chuyên gia Rospotrebnadzor đã bắt đầu phát triển hệ thống xét nghiệm mới có thể phát hiện các đột biến của virus SARS-CoV-2. Ngày 28/1, quyền Giám đốc Viện Nghiên cứu Cúm mang tên Smorodintsev thuộc Bộ Y tế Nga, ông Dmitry Lioznov cho biết các đột biến mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao hơn, nhưng không ảnh hưởng đến mức độ trầm trọng của bệnh cũng như hiệu quả của vaccine. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng đột biến là phần không thể thiếu trong vòng đời của virus.
Vào giữa tháng 12/2020, Anh thông báo phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Ngày 19/12, một đột biến mới khác được phát hiện ở Nam Phi. Theo các chuyên gia, biến thể của virus ở Nam Phi nguy hiểm hơn chủng ở Anh, vì nó có các đột biến có thể tái nhiễm cho con người. Một ngày trước đó, tin cho biết đột biến virus SARS-CoV-2 từ Anh đã được phát hiện ở 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, còn đột biến ở Nam Phi xuất hiện tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.