Nga phát triển vaccine đột phá chống dị ứng mèo

Một nhóm nhà khoa học Nga đã phát triển thành công loại vaccine mới nhằm ngăn ngừa dị ứng với mèo - căn bệnh phổ biến đang ảnh hưởng tới khoảng 20% dân số toàn cầu.

Đại học Y khoa Sechenov ở Moscow, đơn vị dẫn đầu nghiên cứu cho biết, vaccine hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị thử nghiệm trên người, sau khi hoàn tất các bước nghiên cứu tiền lâm sàng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Dự án được thực hiện với sự hợp tác của Đại học Y khoa Vienna (Áo). Vaccine được thiết kế để chống lại các phản ứng dị ứng thường gặp khi tiếp xúc với mèo như hắt hơi, ho, tức ngực, khó thở, ngứa mắt và phát ban.

Loại vaccine mới là vaccine tái tổ hợp, nghĩa là nó được tạo ra trong phòng thí nghiệm bằng cách sử dụng các đoạn protein vô hại của chất gây dị ứng, thay vì chiết xuất trực tiếp từ lông hoặc tuyến của mèo. Phương pháp này giúp tăng độ chính xác, giảm tác dụng phụ và hạn chế nguy cơ phản ứng dị ứng nghiêm trọng.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Allergy vào tháng 4, các nhà khoa học cho biết vaccine đã được thử nghiệm tiền lâm sàng trên thỏ, cho kết quả đầy hứa hẹn.

Cụ thể, nó giúp kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể có khả năng ngăn chặn tới 85% phản ứng dị ứng do mèo gây ra. Trong khi đó, các liệu pháp miễn dịch đặc hiệu với chất gây dị ứng (ASIT) hiện nay chỉ cho hiệu quả thấp hơn trong cùng điều kiện thử nghiệm.

Dựa trên các kết quả này, nhóm nghiên cứu đã chọn ra hai công thức vaccine tiềm năng nhất để tiếp tục phát triển và thử nghiệm lâm sàng. Khoa dị ứng và miễn dịch lâm sàng

Tiến sĩ Aleksandr Karaulov, Trưởng khoa Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng tại Đại học Sechenov giải thích, phương pháp ASIT truyền thống sử dụng vaccine chiết xuất từ lông mèo thường gặp nhiều hạn chế.

"Rất khó để kiểm soát chính xác liều lượng chất gây dị ứng trong các loại vaccine này và chúng không thể bao phủ toàn bộ các loại protein gây dị ứng khác nhau. Điều này khiến người bệnh phải tiêm nhiều lần và dễ gặp tác dụng phụ", ông nói.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nga-phat-trien-vaccine-dot-pha-chong-di-ung-meo-169250519133732459.htm