Nga-phương Tây: 'Cuộc chiến' không súng đạn, trừng phạt phản tác dụng, điều trớ trêu vẫn xảy ra

Theo giới phân tích, các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn mà phương Tây áp đặt lên Nga đã phản tác dụng. Liệu có phải người thua thiệt nhiều nhất là châu Âu và Nga được hưởng lợi nhiều nhất?

Trước khi nổ ra xung đột ở Ukraine, 42% khí đốt tự nhiên của châu Âu được nhập khẩu từ Nga. (Nguồn: expats)

Trước khi nổ ra xung đột ở Ukraine, 42% khí đốt tự nhiên của châu Âu được nhập khẩu từ Nga. (Nguồn: expats)

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2 năm nay, Mỹ và các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành một cuộc chiến kinh tế nhằm vào Moscow, một “cuộc chiến” không dùng súng đạn mà bằng tài chính, lương thực và nhiên liệu.

Tài chính và lương thực chịu trừng phạt

Theo đó, Mỹ và châu Âu đã hợp lực áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga. Theo suy tính, với nền kinh tế suy giảm, người ta cho rằng Moscow sẽ sớm phải kết thúc chiến dịch quân sự ở Ukraine và chấp nhận thất bại.

Liên tiếp và nhanh chóng, hàng hóa xuất khẩu của Nga bị các nền kinh tế thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và có liên quan tới liên minh này “cấm cửa”. Các công ty đa quốc gia như Zara, Puma, Starbucks và McDonalds lần lượt rút khỏi thị trường Nga, gây ra tình trạng đổ vốn và mất việc làm.

Các mức thuế nghiêm ngặt - lên tới 35% - đã được áp dụng đối với rượu vodka của Nga. Nhập khẩu vàng của Nga vào một số nước EU cũng bị cấm.

Thêm vào đó, dự trữ ngoại hối của Nga ở các ngân hàng nước ngoài, trị giá khoảng 300 tỷ USD, đã bị đóng băng. Moscow cũng bị cấm kết nối với hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT.

Các biện pháp trừng phạt mạnh của Mỹ và châu Âu đã tác động mạnh đến lĩnh vực tài chính Nga. Tuy nhiên, không đứng im chịu trận, Moscow đã tấn công trở lại vào chuỗi cung ứng lương thực và nhiên liệu của EU.

Nga và Ukraine chiếm 29% nguồn cung lúa mì, 20% ngô và 80% dầu hướng dương của thế giới. Khi Moscow cắt nguồn cung các mặt hàng này, giá lương thực đã tăng vọt, đặc biệt là ở châu Âu.

Tính đến tháng 5, lạm phát lương thực trên toàn EU đã ở mức cao nhất trong 20 năm. Lạm phát thực phẩm chưa qua chế biến ở mức 11,1% trong khi lạm phát thực phẩm chế biến ở mức 7,5%. Ngay cả các nền kinh tế giàu có của EU cũng cảm thấy khó khăn.

Nga sử dụng “vũ khí” mạnh nhất

Nhưng trong khi EU dường như vẫn có thể chống đỡ được với lạm phát lương thực, các nền kinh tế thuộc liên minh lại không thể sống thiếu khí đốt của Nga. Do đó, nhiên liệu chính là “vũ khí mạnh nhất” của Nga đối với châu Âu trong “cuộc chiến không súng đạn” này.

Thống kê thực tế cho thấy, trước khi nổ ra xung đột ở Ukraine, 42% khí đốt tự nhiên của châu Âu đến từ Nga.

Khí đốt được vận chuyển đến châu lục này thông qua Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1), một đường ống dài 1.224 km chạy từ Vyborg ở Nga đến Đức qua Biển Baltic. Từ Đức, khí đốt được vận chuyển tới các nước châu Âu khác thông qua các đường ống thứ cấp.

Hầu hết các quốc gia châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga để duy trì các ngành sản xuất công nghiệp và dùng trong sinh hoạt hằng ngày của người dân. Có 94% khí đốt được dùng ở Phần Lan đến từ Nga. Con số này ở Bulgaria là 77%, Slovakia 70%, Đức 49%, Italy 46% và Ba Lan 40%.

Sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga là do khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đòi hỏi phải có nhiều thiết bị đầu cuối để chuyển khí từ trạng thái khí sang thể lỏng và ngược lại. Nó cũng yêu cầu một mạng lưới đường ống để vận chuyển từ các thiết bị đầu cuối đến các silo trên lục địa.

Mặc dù châu Âu có nhiều nhà ga để xử lý khí LNG nhưng châu lục này không có đủ đường ống để vận chuyển đến hàng trăm silo ở 28 quốc gia.

Điều này là do hệ thống đường ống của châu lục này được xây dựng xung quanh nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Cơ sở hạ tầng không được xây dựng để tiếp nhận khí đốt từ các nhà cung cấp thay thế như Qatar và Mỹ.

Vì vậy, ngay cả khi Mỹ và Qatar cung cấp cho châu Âu 100% nhu cầu nhiên liệu, châu Âu cũng sẽ không thể hấp thụ được.

Hai “chiêu” chiến lược

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thực hiện hai “đòn” chiến lược sau khi Moscow bị áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế.

Nga yêu cầu việc mua khí đốt từ nước này chỉ có thể được thanh toán bằng đồng Ruble. (Nguồn: Tân Hoa Xã)

Nga yêu cầu việc mua khí đốt từ nước này chỉ có thể được thanh toán bằng đồng Ruble. (Nguồn: Tân Hoa Xã)

Đầu tiên, ông cắt giảm 60% nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu. Điều này khiến giá cả tăng chóng mặt, cho phép Moscow dù bán ít hàng hơn nhưng lại thu được nhiều tiền hơn. Thời gian qua, giá nhiên liệu tăng 37% ở Mỹ và 144% ở EU, càng làm suy yếu các nền kinh tế thuộc liên minh này.

Thứ hai, nhà lãnh đạo Nga ký lệnh yêu cầu việc mua khí đốt từ nước này chỉ có thể được thanh toán bằng đồng Ruble. Điều này làm cho Ruble đã có thời điểm trở thành đồng tiền hoạt động tốt nhất trên toàn thế giới, khiến hàng nhập khẩu của Nga rẻ hơn.

Trái ngược với suy nghĩ thông thường, Moscow không hề bị cắt đứt khỏi dòng chảy thương mại thế giới. Nước này vẫn có các khách hàng lớn quan trọng, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, hai nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 5 trên thế giới.

Thương mại giữa các quốc gia này vẫn không ngừng chảy, thậm chí còn tăng, cho phép Nga đảm bảo ổn định các mặt hàng thiết yếu cơ bản như thực phẩm và thuốc men tại thị trường nội địa.

Ngược lại, người Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục mua các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp của Nga, do đó mang lại doanh thu ổn định cho quốc gia châu Âu.

Như thể mọi thứ vẫn chưa đủ u ám đối với châu Âu, tình hình của châu lục này có vẻ ảm đạm hơn khi mùa Đông đang đến gần. Nếu không có đủ khí đốt để sưởi ấm, châu Âu phải đối mặt với viễn cảnh lạm phát ngày càng tồi tệ.

Trớ trêu thay, việc dự trữ khí đốt cho những tháng mùa Đông khắc nghiệt chỉ có thể giúp giảm bớt một phần vì các hầm dự trữ nhiên liệu trên khắp châu lục chỉ có thể cung cấp đủ 90 ngày.

Vì vậy, bất chấp tất cả các biện pháp trừng phạt nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga, châu Âu ngày nay dường như vẫn bị thương nặng hơn.

Châu lục này sẽ phản ứng như thế nào khi mùa Đông đang đến gần? Các động thái tiếp theo của EU có thể có ý nghĩa quyết định trong “cuộc chiến kinh tế” này.

(theo bworldonline.com)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-phuong-tay-cuoc-chien-khong-sung-dan-trung-phat-phan-tac-dung-dieu-tro-treu-van-xay-ra-194473.html