Nga: Quan điểm Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ vì lợi ích nhóm
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chỉ trích quan điểm về một 'khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở và tự do' của Mỹ phục vụ cho các 'nhóm lợi ích'.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chỉ trích quan điểm về một "khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở và tự do" của Mỹ "không mang tính xây dựng" vì chia rẽ các quốc gia trong khu vực thành các "nhóm lợi ích", báo Daily News của Sri Lanka đưa tin ngày 14-1.
Trả lời PV báo Daily News, Ngoại trưởng Lavrov nói: "Mục tiêu thực sự của quan điểm (của Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở và tự do - PV) là chia rẽ các quốc gia trong khu vực thành các "nhóm lợi ích", làm suy yếu hệ thống các mối quan hệ liên quốc gia mới được hình thành để thiết lập ưu thế của Mỹ trong khu vực".
Cũng trong bài phỏng vấn, ông Lavrov khẳng định Nga không muốn Ấn Độ Dương trở thành địa bàn tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc và mong muốn các quốc gia trong khu vực hợp tác để phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Ông Lavrov cũng nhắc đến vai trò quan trọng của các tổ chức quốc tế như Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA), Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC), Sáng kiến hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa ngành vùng Vịnh Bengal (BIMSTEC) và đặc biệt là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - một tổ chức mà Nga và Sri Lanka đều là thành viên.
Ngoại trưởng Nga hy vọng các sáng kiến trong chiến lược phát triển khu vực sẽ giúp thiết lập một khu vực hợp tác chung cho tất cả quốc gia ven biển và hải đảo. Cùng với đó, các "nguyên tắc không thể tách rời" về an ninh, tôn trọng pháp luật quốc tế, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết xung đột một cách hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực phải là nền tảng cho kiến trúc an ninh ở Ấn Độ Dương.
Trưa 14-1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã đáp chuyến bay xuống sân bay quốc tế Bandaranaike ở TP Negombo phía bắc thủ đô Colombo (Sri Lanka), bắt đầu chuyến công du ba nước châu Á là Sri Lanka, Ấn Độ và Uzbekistan. Chuyến công du của ông Lavrov diễn ra trong bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở thành một sân chơi mới trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc, trong khi tình hình Nam Á đang căng thẳng với xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan.
"Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" không phải là một khái niệm mới nhưng đã được chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump phát triển thành một chính sách chủ chốt trong quan hệ với châu Á. Mỹ nhấn mạnh đến việc tự do, không cưỡng ép và một nền quản trị tốt, cùng với việc mở cửa hoạt động giao thương hàng hải, thương mại, đầu tư cơ sở hạ tầng và các đầu tư khác.
Các chuyên gia cho rằng với ý định hợp tác chặt chẽ trong bộ tứ Mỹ - Nhật - Ấn Độ - Úc, Washington đang muốn xây dựng một đối trọng đối với sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, ngăn việc khu vực rơi vào tầm ảnh hưởng và lệ thuộc vào Bắc Kinh.
Trong khi đó, quan hệ Ấn Độ - Pakistan tiếp tục căng thẳng liên quan đến vùng lãnh thổ Kashmir - khu vực có đa số dân theo đạo Hồi. Ấn Độ mới đây thông qua luật công dân mới, đơn giản hóa thủ tục nhập tịch cho nhiều nhóm tôn giáo (trừ Hồi giáo) đến từ các nước Afghanistan, Bangladesh và Pakistan. Islamabad lên án luật này mang tính phân biệt nhưng New Delhi bác bỏ chỉ trích và cho rằng đạo luật không ảnh hưởng gì đến người Hồi giáo.