Nga rời khỏi Hội đồng châu Âu
Nga hôm thứ Ba (15/03) đã rời khỏi Hội đồng châu Âu, cơ quan giám sát nhân quyền hàng đầu của châu lục, trước khả năng bị tổ chức này trục xuất vì cuộc khủng hoảng với Ukraine.
Nga là quốc gia thứ hai rời nhóm châu Âu có nhiệm vụ duy trì nhân quyền và pháp quyền kể từ khi tổ chức này được thành lập sau Thế chiến thứ hai.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal phát biểu tại Hội đồng châu Âu. Ảnh: AFP
Bài liên quan
Tổng thống Biden sắp tới châu Âu đàm phán về tình hình Nga - Ukraine
Thêm hai nhà báo thiệt mạng trong xung đột ở Ukraine
Ukraine: Cuộc chiến có thể kết thúc vào tháng 5
Tòa án Công lý Quốc tế sẽ ra phán quyết về vụ Ukraine - Nga vào ngày mai
Hy Lạp đã làm điều tương tự vào năm 1969, cũng để tránh bị trục xuất, sau khi một nhóm sĩ quan quân đội giành chính quyền trong một cuộc đảo chính quân sự. Nước này đã gia nhập trở lại sau khi khôi phục nền dân chủ 5 năm sau đó.
Quyết định này được công bố vài giờ trước cuộc bỏ phiếu về việc trục xuất trong Hội đồng châu Âu, nhưng cũng có những hậu quả cụ thể.
Công ước nhân quyền sẽ không còn áp dụng đối với Nga và người Nga sẽ không còn có thể khiếu nại lên Tòa án Nhân quyền châu Âu chống lại chính phủ của họ.
Giải thích về sự ra đi của mình, Nga cáo buộc các nước phương Tây đã phá hoại cơ quan nhân quyền, tổ chức đã đình chỉ tư cách thành viên của Nga vào ngày 25 tháng 2, một ngày sau khi họ leo thang căng thẳng với Ukraine.
Ông Leonid Slutsky, người đứng đầu Ủy ban các vấn đề quốc tế của Hạ viện Nga, cáo buộc các nước NATO và Liên minh châu Âu coi Hội đồng châu Âu là "một phương tiện hỗ trợ cho việc mở rộng các mục tiêu quân sự, chính trị và kinh tế của họ sang phía đông".
Trong một nghị quyết được soạn thảo vào thứ Hai, Hội đồng châu Âu cho rằng Nga nên bị loại bỏ.
Nghị quyết nói rằng tác động của việc Nga rút khỏi tòa án nhân quyền của châu Âu sẽ được giảm nhẹ do Moscow đã không thực hiện đúng các phán quyết của mình.
Cựu Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou, hiện là thành viên Quốc hội của Hội đồng châu Âu, cho biết: “Đất nước của tôi, Hy Lạp, đã bị đuổi khỏi Hội đồng Châu Âu vào những năm 1970… quyết định này đã củng cố cuộc đấu tranh vì dân chủ và tự do của chúng tôi".
Ông Pyotr Tolstoy, trưởng phái đoàn Nga tại Nghị viện của Hội đồng, cho biết trên kênh Telegram của mình rằng ông đã chuyển một bức thư của Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov thông báo quyết định rời bỏ cơ quan giám sát.
Hội đồng châu Âu, tách biệt với Liên minh châu Âu, xác nhận rằng họ đã nhận được thư của Moscow.
Nga mô tả cuộc khủng hoảng với Ukraine là một "hoạt động đặc biệt" nhằm phi quân sự hóa Ukraine và ngăn chặn một cuộc diệt chủng của những người nói tiếng Nga. Ukraine và các đồng minh phương Tây gọi đây là cái cớ vô căn cứ.
Hội đồng châu Âu được thành lập vào năm 1949. Nga đã tham gia vào năm 1996.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nga-roi-khoi-hoi-dong-chau-au-post185734.html