Cuộc chiến hải quân ở Biển Đen đang nóng lên, và có vẻ như Ukraine đã giành được một chiến thắng đáng kể khi mới đây Nga phải tuyên bố sẽ rút quân khỏi Đảo Rắn - một vị trí chiến lược mà họ đã chiếm giữ từ những ngày đầu tiên giao tranh.
Đảo Rắn án ngữ con đường tiếp cận ba cảng ở miền Tây Ukraine, khiến nó trở nên quan trọng trong việc kiểm soát không gian hàng hải ở phía Tây Biển Đen. Hòn đảo cũng nằm gần châu thổ sông Danube, có tầm quan trọng chiến lược trong bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Nga và NATO.
Nga đã chiếm giữ đảo Rắn trong ngày đầu của cuộc xung đột. Kể từ đó, Ukraine đã thực hiện các biện pháp tốn kém cả về nhân lực lẫn vật lực nhằm chiếm lại hòn đảo, bao gồm cuộc tấn công bằng UAV và máy bay ném bom cánh cố định, cũng như cuộc đột kích của lực lượng đặc biệt.
Cả Nga và Ukraine đều coi đảo Rắn là một địa điểm có tầm quan trọng chiến lược, do đó tuyên bố của Nga rằng họ rút lui khỏi hòn đảo vì lý do nhân đạo bị phương Tây cho là vô lý.
Cục diện trận chiến liên quan đến việc chuyển giao vũ khí ngày càng nguy hiểm của phương Tây cho Ukraine. Mặc dù các tên lửa Harpoon, Exocet và Naval Strike không tự chiếm lại đảo Rắn, nhưng chúng chắc chắn đã làm thay đổi bản chất của tình thế chiến lược đối với Nga.
Tên lửa Harpoon đã giúp đánh chìm một tàu kéo của Nga đang cố gắng chuyển vật tư tới hòn đảo vào tháng trước, và hiệu quả ngày càng tăng của lượng pháo bờ biển Ukraine khiến Nga không thể tiếp tế cho đảo Rắn.
Việc tiếp tế trên không cũng bất khả thi do máy bay chiến đấu Ukraine và hệ thống phòng không cố định ở rất gần. Cuối cùng, pháo binh tầm xa dường như đã đóng một vai trò quan trọng nào đó.
Có thông tin không rõ ràng về các hệ thống pháo mà Ukraine sử dụng để đánh bật lực lượng Nga, nhưng pháo tầm xa không đòi hỏi một lượng lớn vũ khí, chỉ đơn giản là hỏa lực đều đặn, chính xác mà lực lượng Nga không thể đáp trả.
Tuy nhiên việc tái kiểm soát đảo Rắn không có nghĩa là Ukraine đã phá vỡ sự phong tỏa của Nga bằng các tàu chiến.
Đặc biệt, Ukraine không có phương án chống lại các tàu ngầm của Hạm đội Biển Đen, khi chúng vẫn tiếp tục bắn tên lửa tầm xa vào các mục tiêu trên khắp đất nước.
Về mặt lý thuyết, phương Tây có thể cung cấp vũ khí tác chiến chống tàu ngầm, nhưng đây là một trong những hoạt động quân sự phức tạp nhất và Mỹ cũng như các nước NATO khác không muốn cho người Nga cái nhìn rõ về công nghệ và kỹ thuật này của họ.
Đáng buồn thay, hầu hết các phương án để phá bỏ phong tỏa (bao gồm cả việc thông báo về một hành lang an toàn, hoặc đánh dấu lại các tàu quá cảnh đến Ukraine) vẫn không khả thi và có nguy cơ leo thang nghiêm trọng.
Như vậy hải chiến vẫn sẽ tiếp tục, dù chỉ có một bên tham chiến duy trì lực lượng hải quân. Trong một diễn biến không mấy ngạc nhiên, Ukraine đã tấn công các giàn khoan dầu của Nga ở Biển Đen.
Điều này cho thấy khả năng và sự sẵn sàng của Ukraine trong việc gây ra tổn thất cho Nga. Về phần Nga, họ tiếp tục sử dụng các tàu ngầm của mình để duy trì phong tỏa và phóng tên lửa vào các mục tiêu trên bộ của Ukraine.
Cuộc chiến này sẽ không được quyết định trên biển, các chuyên gia quân sự đều có chung nhận xét.
Bạch Dương