Nga sắp có nguồn thu cực lớn từ Bắc Cực

Khi vận tải hàng hóa dọc theo Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) phát triển, nó có thể trở thành một trong những nguồn thu xuất khẩu lớn nhất của Nga bên cạnh ngành dầu khí, Alexey Fadeev, Tiến sĩ Kinh tế, Giáo sư Trường Quản lý Công nghiệp Cao cấp tại Đại học Bách khoa St. Petersburg, nói với TASS.

Tuyến đường biển phía Bắc của Nga ngắn hơn nhiều so với tuyến đường thương mại hiện có qua kênh đào Suez

Tuyến đường biển phía Bắc của Nga ngắn hơn nhiều so với tuyến đường thương mại hiện có qua kênh đào Suez

"Vận chuyển hàng hóa dọc theo Tuyến đường biển phía Bắc là nguồn thu mới cho ngân sách Nga. Dịch vụ vận tải đường biển có thể phát triển thành hướng xuất khẩu lớn nhất tại vùng Bắc Cực của Liên bang Nga. Bằng cách áp dụng chiến lược phù hợp khi tham gia các dự án quốc tế ở Bắc Cực, Nga với tư cách là nước vận tải hàng hải Á-Âu, có thể sẽ đạt được nguồn thu lớn”, chuyên gia này nhận định.

Ở giai đoạn đầu, kinh nghiệm vận chuyển quốc tế đã chứng minh rằng việc vận chuyển hàng hóa dọc theo Tuyến đường biển phía Bắc bằng tàu có trọng tải lớn sẽ mang lại tính hiệu quả cao. Do đó, nhiều nhà khai thác tại các mỏ tài nguyên thiên nhiên có thể thích xuất khẩu bằng đường biển hơn là xây dựng các tuyến đường ống mới. "Tàu container Newnew Polar Bear là tàu quốc tế đầu tiên trong lịch sử của Nga đi qua Tuyến đường biển phía Bắc. Lộ trình của con tàu này là: St. Petersburg - Thượng Hải - St. Petersburg. Cho dù các dự án tại Bắc Cực của Nga bị chính trị hóa mạnh mẽ đến đâu, cũng không thể ép doanh nghiệp nước ngoài làm điều họ không muốn”, ông Fadeev nói tiếp.

Địa chính trị là yếu tố phát triển Tuyến đường biển phía Bắc

Tình hình địa chính trị hiện nay tại Trung Đông sẽ làm tăng thêm rủi ro ở khu vực phía đông Địa Trung Hải, khiến chi phí vận chuyển cao hơn, từ đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu trên thị trường hàng hóa.

"Tình hình ngày càng nghiêm trọng đã đe dọa mức độ an toàn của kênh đào Suez hiện đang là tuyến vận chuyển chính trên thế giới. Trước những sự kiện này, Tuyến đường biển phía Bắc trở thành một giải pháp đầy hứa hẹn, có thể vận chuyển hàng hóa một cách an toàn, tiết kiệm thời gian và đảm bảo lợi ích kinh tế. Tuyến đường ngắn giúp cắt giảm chi phí nhiên liệu, vốn là một phần của chi phí vận chuyển hàng hóa. Ngoài tình hình chung ổn định tại Bắc Cực, có ít khả năng xảy ra các cuộc tấn công của cướp biển cũng là một lợi thế của việc sử dụng tuyến đường này", ông Fadeev nói.

Theo kế hoạch phát triển Tuyến đường biển phía Bắc đã được thông qua với tầm nhìn đến năm 2035, khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng được dự kiến ở mức 1,8 nghìn tỷ rúp (19 tỷ USD). Các khoản đầu tư dự kiến sẽ thúc đẩy tổng lưu lượng hàng hóa: năm 2024 - 80 triệu tấn, năm 2030 -150 triệu tấn và đến năm 2035 - hơn 200 triệu tấn.

“Bất chấp những thách thức về chính sách đối ngoại và kinh tế vĩ mô hiện nay, hơn 34 triệu tấn hàng hóa đã được vận chuyển qua vùng biển Bắc Cực vào năm 2022, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 2 triệu tấn so với mục tiêu của chính phủ", chuyên gia cho biết.

Anh Thư

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nga-sap-co-nguon-thu-cuc-lon-tu-bac-cuc-697584.html