Nga sẽ 'không hài lòng' khi Mỹ đưa 'mối đe dọa' THAAD tới châu Âu?
THAAD của Mỹ sẽ đến Romanie trong thời gian tới, gây ra mối quan ngại của Nga đối với việc hệ thống thống tên lửa của NATO đang triển khai ở châu Âu.
Quân đội Mỹ hồi đầu tháng 4 tuyên bố sẽ triển khai tới Romania một trong 7 khẩu đội phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Kế hoạch triển khai vào mùa hè 2019 trùng với việc đóng cửa khu vực phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ - cũng ở Romania - để nâng cấp theo lịch trình.
Theo lý thuyết, THAAD sở hữu một số khả năng tương tự như Aegis Ashore, có thể giúp lấp đầy khoảng trống do hệ thống tạm thời ngừng hoạt động Aegis để lại. Tuy nhiên, THAAD cũng có thể trở thành “đối trọng” với Nga, tương tự như khả năng của Aegis Ashore, National Interest nhận định.
“Theo yêu cầu của NATO, bộ Quốc phòng sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ tới Romania vào mùa hè này để hỗ trợ phòng thủ tên lửa đạn đạo của NATO”, bộ chỉ huy Châu Âu của Mỹ tuyên bố .
Tính đến đầu năm 2019, quân đội Mỹ đã mua khoảng 200 tên lửa THAAD cho 7 khẩu đội và khoảng 40 bệ phóng. Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ trên trang web của mình mô tả THAAD là một hệ thống phòng thủ trên đất liền có khả năng bắn hạ một tên lửa đạn đạo cả bên trong và bên ngoài khí quyển.
Theo cơ quan này, THAAD đã có 15 lần chặn thành công trong 15 lần thử nghiệm kể từ khi chương trình được bắt đầu. Hai thử nghiệm gần đây nhất đã được tiến hành vào tháng 7/2017.
Hiện tại, THAAD đang được triển khai trên đảo Guam cũng như ở Hàn Quốc. Hồi tháng 3 năm nay, Mỹ cũng đã triển khai THAAD cho Israel. Ngoài ra, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng đang vận hành hệ thống tân tiến này. Khi được triển khai, THAAD sẽ hỗ trợ nhiệm vụ cho Aegis Ashore ở Romania.
Aegis Ashore là phiên bản mặt đất của tên lửa đánh chặn SM-3 thuộc Hải quân Mỹ. Hiện tại, NATO đang vận hành các địa điểm Aegis Ashore ở Ba Lan và Romania. Các địa điểm này được tuyên bố là giúp bảo vệ châu Âu và Mỹ khỏi các cuộc tấn công tên lửa từ một cường quốc Trung Đông như Iran.
Theo National Interest, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trong nhiều thập kỷ đã gây tranh cãi ở Nga. Moscow coi các hệ thống của Mỹ là mối đe dọa đối với cán cân sức mạnh toàn cầu. Về mặt lý thuyết, chúng có thể khiến các tên lửa có đầu đạn hạt nhân của Nga hoạt động kém hiệu quả.
Trên thực tế, hầu hết các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đều thiếu tốc độ, tầm bắn và độ chính xác để đánh chặn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Tuy nhiên, các hệ thống phòng thủ tầm trung trên mặt đất của Mỹ ở Alaska và California, với mục đích được cho là đánh chặn nguy cơ tên lửa từ Triều Tiên, trong các cuộc thử nghiệm đã chứng tỏ khả năng bắn trúng một số vũ khí thuộc lớp ICBM.
Nhiều người Nga cũng tin rằng, Aegis Ashore có thể hoạt động như một vũ khí tấn công phủ đầu chớp nhoáng.
Aegis Ashores "mang đến một mối lo ngại rất đặc biệt với Nga", Jeffrey Lewis, một chuyên gia hạt nhân tại viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury tại Monterey nói.
Lewis cho biết, nhiều người Nga tin rằng Mỹ đã lên kế hoạch trong nhiều năm để bí mật trang bị vũ khí phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Romania bằng vũ khí hạt nhân, biến vũ khí phòng thủ thành thứ mà Lewis mô tả là lực lượng tấn công "bí mật" có nhiệm vụ thực sự là gây ra các cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ vào Moscow.
Về phần mình, NATO rất muốn nhấn mạnh rằng cả Aegis Ashore và THAAD đều không gây nguy hiểm cho Nga. Địa điểm phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis Ashore của Romania sẽ trải qua đợt nâng cấp được lên kế hoạch từ mùa Hè này.
“Bản nâng cấp được thực hiện trên toàn hạm đội hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis, sẽ không cung cấp bất kỳ khả năng tấn công nào cho hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore”, NATO tuyên bố.
Trong khi đó, liên minh quân sự cũng lưu ý, đơn vị THAAD sẽ chỉ hoạt động cho đến khi khu vực phòng thủ tên lửa Aegis Ashore ở Romania hoạt động trở lại. Việc nâng cấp và triển khai dự kiến sẽ kéo dài vài tuần.
NATO cũng cho biết, THAAD sẽ tập trung vào các mối đe dọa tiềm tàng từ bên ngoài khu vực Euro-Atlantic, đồng thời khẳng định lại việc Aegis Ashore ở Romania hoàn toàn là một hệ thống phòng thủ.