Nga sẽ làm gì nếu chiến sự với Ukraine bùng nổ?

Nếu chiến sự nổ ra, Điện Kremlin nhiều khả năng tập trung vào việc thể hiện thế trận áp đảo, đồng thời chặn đứng sức mạnh quân sự của Ukraine.

Kể từ giữa tháng 1, các lực lượng vũ trang của Thụy Điển tăng cường khả năng ứng chiến tại một số khu vực tiền tiêu vì lo ngại động thái gia tăng hoạt động quân sự của Nga. Khi đó, bộ binh, cảnh khuyển, xe bọc thép và một máy bay vận tải chở 100 quân đã được điều động để đảm bảo an ninh tại bến cảng Visby trên đảo Gotland của Thụy Điển, theo nhật báo Aftonbladet.

“Không loại trừ khả năng một cuộc tấn công chống lại Thụy Điển sẽ diễn ra”, Peter Hultqvist, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển, cảnh báo hôm 15/1. Ông chỉ ra rằng các tàu đổ bộ của Nga đã đi vào biển Baltic.

Việc Thụy Điển quyết định củng cố năng lực quân sự ở đảo Baltic, nằm gần Kaliningrad của Nga, phản ánh mối lo ngại ngày càng gia tăng về khả năng bùng nổ chiến sự trong khu vực, theo Economist.

 Lo ngại Nga, Thụy Điển gia cố phòng thủ ở Gotland. Ảnh: AFP.

Lo ngại Nga, Thụy Điển gia cố phòng thủ ở Gotland. Ảnh: AFP.

Căng thẳng leo thang

Nga đã tập hợp hơn 100.000 quân gần biên giới Ukraine, với nhiều luồng quân hơn di chuyển hướng vùng Viễn Đông. Moscow cũng tuyên bố các cuộc đàm phán với Mỹ và khối Bắc Đại Tây Dương (NATO) được tổ chức vào đầu tháng 1 không thành công.

Không những vậy, quân đội Nga được cho là đã bắt đầu huấn luyện và huy động lực lượng dự bị. Đây đều là những chỉ dấu báo hiệu sự leo thang về mặt quân sự.

Giao tranh trên mặt trận kỹ thuật số dường như đã bắt đầu. Cùng ngày Thụy Điển điều thêm quân tới Gotland, các trang web chính phủ và một số máy tính của quan chức Ukraine bị tấn công.

Nhà Trắng tuyên bố họ có thông tin tình báo cho thấy Nga đang lên kế hoạch dàn dựng các hoạt động chống phá lực lượng ủy nhiệm ở miền Đông Ukraine, nhằm tạo cớ tấn công nước này.

Các quan chức và nhà phân tích phương Tây vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra quyết định về khả năng chiến tranh với Ukraine hay chưa. Nhiều người tin rằng hậu quả tiềm tàng từ cuộc chiến có thể khiến ông Putin cân nhắc lại.

Dẫu vậy, tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn trong tình trạng báo động.

“Khả năng bùng nổ chiến sự ở Ukraine ngày càng tăng”, James Sherr, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Phòng thủ và An ninh Quốc tế, nhận định. Viễn cảnh này làm dấy lên câu hỏi về cách thức Nga sẽ tiến hành chiến dịch tiến quân vào Ukraine nếu chiến sự nổ ra.

 Nga hiện bố trí khoảng 60 tiểu đoàn tác chiến ở biên giới với Ukraine. Ảnh: New York Times.

Nga hiện bố trí khoảng 60 tiểu đoàn tác chiến ở biên giới với Ukraine. Ảnh: New York Times.

Những cách tiếp cận khả dĩ của Nga

Nga có thể sẽ dùng lại nước đi mà họ đã sử dụng suốt bảy năm qua: Đưa quân vào những vùng lãnh thổ ly khai của Ukraine, nhiều khả năng là Donetsk và Luhansk ở miền Đông, để mở rộng ranh giới của Nga về phía tây.

Trong một kịch bản khác, Nga có thể tìm cách thiết lập một cây cầu trên bộ tới bán đảo Crimea, vốn đã được sáp nhập vào Nga hồi năm 2014. Nước đi này sẽ giúp Nga mở rộng kiểm soát tại khu vực Novorossiya, bao gồm cả phần lãnh thổ quan trọng dọc theo biển Azov của Ukraine.

Nếu mục tiêu của Nga là ngăn Ukraine gia nhập NATO hoặc hợp tác với khối này, Điện Kremlin có ba sách lược khả dĩ.

Theo đó, Nga có thể dùng vũ lực để tác động trực tiếp đến chính phủ Ukraine ở Kiev, tương tự cách Mỹ đã làm ở Afghanistan và Iraq.

Một biện pháp khác mà Nga có thể áp dụng là tạo ra những khoản chi phí khổng lồ cho Ukraine, thông qua quá trình tiêu diệt các lực lượng vũ trang, phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc chiếm đóng lãnh thổ cho đến khi Kiev đồng ý cắt đứt quan hệ với phương Tây.

Ngoài ra, Nga cũng có thể dùng sức mạnh vũ trang để gây sức ép, buộc NATO và Mỹ chấm dứt can thiệp vào Ukraine. Nhìn chung, cả ba cách tiếp cận nói trên đều đòi hỏi Nga tiến hành một cuộc chiến tranh quy mô lớn.

Giới phân tích đồng thời cho rằng Nga có thể sử dụng tên lửa để tiến hành chiến tranh thay vì dùng bộ binh, tương tự cuộc không chiến giữa NATO và Serbia vào năm 1999.

Chuyên gia Keir Giles thuộc tổ chức tư vấn Chatham House nhận định rằng phương pháp này cho phép Nga tăng và giảm áp lực tùy ý, linh hoạt trong việc đưa ra các yêu sách, theo Economist.

Một nghiên cứu của Tập đoàn RAND xuất bản năm 2016 chỉ ra rằng Nga có thể chiếm 2 trong 3 quốc gia Baltic với khoảng 30 tiểu đoàn tác chiến (BTG). Mỗi đơn vị BTG của Nga bao gồm khoảng 1.000 quân cộng với trang thiết bị. Nga hiện tập hợp khoảng 60 BTG trong trạng thái sẵn sàng ở biên giới Ukraine.

“Tôi nghĩ dường như không ai có thể ngăn quân đội Nga tiến vào Kiev”, David Shlapak, đồng tác giả của nghiên cứu nói trên, nhận xét. Ông dự đoán Nga sẽ “tấn công chớp nhoáng”, nhanh và sâu vào một mặt trận hẹp, nhằm gây sốc và khiến đối thủ tê liệt chứ không hướng tới việc chiếm lãnh thổ.

 Quân đội Nga được cho là có ưu thế trước Ukraine. Ảnh: FT.

Quân đội Nga được cho là có ưu thế trước Ukraine. Ảnh: FT.

Ngày 17/1, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko thông báo quân đội nước này sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung với Nga ở biên giới phía nam và phía tây vào tháng 2, đồng thời quân đội Nga đã đến Belarus.

Nếu Belarus cho phép Nga tấn công từ lãnh thổ của mình, Kiev thậm chí có thể bị tiếp cận từ phía tây và bị bao vây.

Nhà nghiên cứu James Sherr nhận định rằng binh sĩ Ukraine đều thiện chiến và được huấn luyện bởi các nước phương Tây. Tuy nhiên, lực lượng vũ trang nước này thiếu trình độ so với lính Nga trong chiến tranh cơ động, bao gồm nhiều binh chủng khác nhau.

Ngay cả khi có những lợi thế này, Nga vẫn sẽ gặp khó khăn trong việc tiến vào Kiev. Kể từ năm 2014, hơn 300.000 người Ukraine đã được rèn luyện về mặt quân sự và hầu hết đều có quyền sử dụng vũ khí. Giới chức Mỹ nói với các đồng minh rằng Lầu Năm Góc và CIA đều sẽ hỗ trợ một cuộc kháng chiến vũ trang.

“Người Ukraine sẽ chiến đấu và gây tổn thất lớn cho người Nga”, Peter Zwack, một vị tướng về hưu và từng là tùy viên quốc phòng của Mỹ tại Moscow, nhận xét. “Toàn bộ cuộc chiến sẽ là một thử thách cho người Nga. Về cơ bản, hiện giờ họ cô đơn”.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nga-se-lam-gi-neu-chien-su-voi-ukraine-bung-no-post1290724.html