Nga siết dòng khí đốt khi bộ ba quyền lực nhất châu Âu đến Kyiv
Giữa lúc ba nhà lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu đến Kyiv, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã cắt giảm nguồn cung khí đốt đến một số nước.
Khi các nhà lãnh đạo của ba nền kinh tế lớn nhất châu Âu - gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Italy Mario Draghi - xuất hiện tại Kyiv hôm 16/6 để gửi thông điệp ủng hộ Ukraine, thì một sự kiện bất ngờ diễn ra.
Gazprom cắt giảm nguồn cung khí đốt đến một số nước châu Âu. Đức, Italy, Áo và Cộng hòa Czech đều báo cáo thiếu hụt lượng khí đốt lẽ ra họ phải được cung cấp.
Lý do mà tập đoàn khí đốt khổng lồ do nhà nước Nga kiểm soát đưa ra là họ đang sửa chữa đường ống dẫn khí. Tuy nhiên, các quan chức châu Âu đã công khai cáo buộc Nga sử dụng nguồn cung năng lượng như một vũ khí để răn đe mỗi bước đi của các nước châu Âu, theo New York Times.
Động thái đáng chú ý
Với lạm phát đã tới gần mức cao nhất trong 40 năm, giá khí đốt tiếp tục tăng khi Nga cắt giảm dòng chảy qua đường ống dẫn khí đốt tự nhiên quan trọng nhất của châu Âu trong hai ngày liên tiếp 15-16/6.
CEZ, nhà cung cấp khí đốt chính của Cộng hòa Czech, đã báo cáo nguồn cung từ Gazprom đã giảm xuống còn khoảng 40% so với lượng nhập vào thông thường, Ladislav Kriz, phát ngôn viên của công ty, cho biết ngày 16/6. Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Czech Jozef Sikela cho biết lượng dự trữ khí đốt của nước này chỉ có thể đủ dùng đến cuối tháng 10.
Công ty năng lượng OMV của Áo nói rằng Gazprom đã thông báo cho họ về việc cắt giảm, nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết. Cả Cộng hòa Czech và Áo đều nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất ở châu Âu nếu dòng khí đốt đến từ Nga bị gián đoạn, vì lượng khí đốt tiêu thụ của cả hai nước hầu hết đều dựa vào Moscow.
Italy nhập khẩu 95% khí đốt, trong đó có 40% lượng khí đốt từ Nga. Nguồn cung của Gazprom cho Italy đã giảm 15% vào ngày 15/6 và vẫn giữ mức đó trong ngày tiếp theo, công ty năng lượng Italy Eni cho biết. Sự cắt giảm cũng liên quan đến việc dòng chảy qua đường ống Nord Stream 1 nối Nga với Đức bị hạn chế. Công ty năng lượng Nga nêu lý do bảo trì.
Tuy nhiên, lời giải thích của Gazprom không thuyết phục được các nhà lãnh đạo châu Âu.
Roberto Cingolani, Bộ trưởng phụ trách chuyển đổi sinh thái của Italy, cho rằng điều này có liên quan đến chuyến thăm của Thủ tướng Draghi đến Kyiv.
“Hôm nay, ông Draghi đang ở Kyiv, và đây (việc Gazprom giảm nguồn cung khí đốt) có thể là một sự phản ứng”, ông Cingolani nói.
Xuất khẩu khí đốt đã mang lại cho Moscow một công cụ ngoại giao mạnh mẽ tại châu Âu, nơi nhiều ngành công nghiệp phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và Thủ tướng Italy Mario Draghi gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Kyiv hôm 16/5, “sự cố” của Gazprom như một lời nhắc nhở rằng số phận của các nền kinh tế châu Âu phụ thuộc một phần vào Điện Kremlin.
“Chúng tôi, Đức và các quốc gia không tin vào lý do đó”, ông Draghi nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Kyiv ngày 16/6 khi được hỏi về tuyên bố của Gazprom về việc “sửa chữa”.
Ông so sánh việc này với việc Nga phong tỏa các mặt hàng xuất khẩu khác của Ukraine: “Trên thực tế, họ đang sử dụng khí đốt để theo đuổi mục đích chính trị, giống việc sử dụng ngũ cốc như công cụ chính trị”.
Hồi chuông cảnh báo
Đây không phải là lần đầu tiên Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt đến châu Âu kể từ khi "chiến dịch" của họ bắt đầu. Tháng trước, Moscow đã đình chỉ xuất khẩu điện và khí đốt sang Phần Lan sau khi nước này từ bỏ quan điểm trung lập lâu đời và chính thức yêu cầu gia nhập NATO.
Hồi tháng 4, Moscow đã ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ba Lan và Bulgaria, hai quốc gia NATO lên tiếng mạnh mẽ phản đối Nga về “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Xuất khẩu khí đốt là yếu tố quan trọng đối với nền kinh tế Nga. Việc Nga cắt nguồn cung đến châu Âu đang khiến khí đốt tăng giá sốc.
Alexei Miller, Giám đốc điều hành của Gazprom, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg hôm 16/6: “Đúng vậy, nguồn cung khí đốt cho châu Âu đã giảm vài chục phần trăm. Giá tăng không chỉ chục phần trăm, mà tăng gấp vài lần”.
Phó thủ tướng Nga Alexander Novak phát biểu tại cùng hội nghị, cho biết người châu Âu đã phải trả nhiều hơn khoảng 400 tỷ euro so với trước khi cắt giảm, và ám chỉ sẽ có thêm nhiều lần cắt giảm nữa.
“Đây không phải là giới hạn theo quan điểm của chúng tôi. Mọi thứ có thể hơn thế nữa”, ông Novak nói.
Chỉ mất vài tuần để Liên minh châu Âu đồng ý về lệnh cấm vận than đá đối với Nga. Và vào tháng trước, các nước đã thông qua một lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga.
Tuy nhiên, khí đốt là một câu chuyện khác.
Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là khách hàng khí đốt quan trọng nhất của Nga trên lục địa, cứ hai ngôi nhà thì có một ngôi nhà được sưởi ấm bằng khí đốt. Không chỉ vậy, khí đốt là nguồn năng lượng vận hành phần lớn ngành xuất khẩu được ca ngợi của nước này.
Liên đoàn Công nghiệp Đức - cơ quan vận động hành lang công nghiệp của nước này, nói rằng các công ty đã chuyển sang sử dụng than để thay thế, nhằm tích trữ nhiều khí đốt tự nhiên hơn cho mùa đông, nhưng quá trình chuyển đổi này sẽ mất thời gian.
“Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, ngành công nghiệp của Đức đã giảm mức tiêu thụ khí đốt để sản xuất điện càng nhanh càng tốt”, liên đoàn cho biết.
Cuộc xung đột ở châu Âu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với Đức, nước trong nhiều thập kỷ đã đặt cược rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế với Moscow sẽ giữ hòa bình ở châu Âu.
Cho đến khi Nga tấn công Ukraine, Berlin vẫn phụ thuộc vào Moscow với hơn một nửa lượng khí đốt nhập khẩu, ⅓ lượng dầu và một nửa lượng nhập khẩu than.
Việc từ bỏ thói quen đó sẽ không dễ dàng trong ngắn hạn, đặc biệt là khi các nước vẫn đang phục hồi sau đại dịch.
Chính phủ đang thực hiện các bước để đưa Đức thoát khỏi phụ thuộc vào than của Nga vào cuối mùa hè và khỏi dầu của Nga vào cuối năm. Hiện tỷ trọng nhập khẩu dầu từ Nga đã giảm xuống còn 20% và nhập khẩu than của Nga đã giảm một nửa.
Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế và Phó thủ tướng Đức, đã nói rằng việc thoát khỏi phụ thuộc vào năng lượng của Nga sẽ mất ít nhất hai năm. Tuy nhiên trong tuần này, ông kêu gọi người Đức giúp đẩy nhanh quá trình bằng cách sử dụng tiết kiệm năng lượng hơn.
“Thời điểm để làm điều này đã đến”, ông Habeck kêu gọi trên Instagram hôm 15/6. "Mỗi một kwh đều giúp ích trong tình huống này".
Phó thủ tướng Đức nói thêm rằng Điện Kremlin đang giảm nguồn cung khí đốt đến Đức “từng bước một”, đúng như những gì “chúng ta lo sợ ngay từ đầu”.
Ngay cả khi các chính trị gia tìm cách trấn an người dân châu Âu, người đứng đầu cơ quan liên bang của Đức về giám sát mạng lưới điện và khí đốt đã cảnh báo rằng nếu Gazprom tiếp tục cắt giảm dòng chảy, tình hình có thể trở nên nguy hiểm hơn khi thời tiết lạnh dần.
Những mối lo ngại như vậy cũng hiện diện ở những nơi khác của châu Âu, vì một số quốc gia cũng phụ thuộc vào năng lượng của Nga thông qua dòng chảy khí đốt đến Đức.
Nếu Điện Kremlin hạn chế nguồn cung khí đốt cho Đức trong thời gian dài hơn, thì “chắc chắn lạm phát ở Cộng hòa Czech sẽ đạt 20% vào cuối mùa hè”, Lukas Kovanda, nhà kinh tế trưởng tại Trinity Bank, cho biết trên Twitter. Nếu khí đốt từ Nga bị cắt hoàn toàn, con số đó có thể cao hơn, ông nói thêm.