Nga sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để kiểm soát virus Corona

Trong bối cảnh cả châu Âu đang lao đao vì virus Corona, nước Nga dường như chỉ chịu tác động nhỏ bởi đại dịch này. Sử dụng hệ thống giám sát khuôn mặt được cho là một cách làm hiệu quả của Nga nhằm đối phó với Covid-19.

Nước Nga dưới thời Tổng thổng Vladimir Putin là quốc gia đi tiên phong trong việc phát triển những công nghệ đặc biệt và kỳ lạ. Một năm trước, nhà lãnh đạo điện Kremlin đã phê chuẩn chính sách cho phép tạo ra một mạng Internet riêng “kiểu Nga”, có khả năng vượt tường lửa của các hệ thống mạng trên thế giới.

Vào lúc này, đại dịch Covid-19 có thể mang đến cho nước Nga cơ hội thử nghiệm những công nghệ mới. Công cụ công nghệ được công bố rộng rãi nhất trong kho vũ khí của Nga để chống lại virus Corona là hệ thống nhận diện khuôn mặt khổng lồ của Moscow.

Ra mắt vào đầu năm nay, hệ thống giám sát ban đầu đã gây ra một phản ứng dữ dội và công khai, với việc những người ủng hộ quyền riêng tư nộp đơn kiện đối với hành động giám sát bất hợp pháp.

Tuy nhiên, hệ thống này bất ngờ trở thành phương tiện hiệu quả ngoài mong đợi đối với chính quyền thành phố Moscow trong cuộc chiến chống dịch cúm do virus Corona gây nên.

Tuần trước, cảnh sát Moscow tuyên bố đã bắt và phạt 200 người vi phạm lệnh kiểm dịch và tự cách ly bằng cách sử dụng nhận dạng khuôn mặt bởi hệ thống 170.000 camera.

Theo một báo cáo của các phương tiện truyền thông Nga, một số người bị cáo buộc vi phạm chỉ ở bên ngoài chưa đầy nửa phút trước khi họ bị camera ghi hình.

"Chúng tôi muốn có nhiều camera hơn nữa để không còn góc tối hay đường phụ", Oleg Baranov - cảnh sát trưởng Moscow, cho biết trong một cuộc họp ngắn gần đây và nói thêm rằng họ đang lắp đặt thêm 9.000 camera.

Hệ thống camera giúp chính quyền thành phố Moscow ngăn chặn virus Corona.

Hệ thống camera này cũng được sử dụng để phân tích các mạng xã hội của những người đã hoặc đang nghi ngờ có nhiễm nCoV. Thị trưởng Matxcơva, ông Serge Sobyanin mô tả trong blog cá nhân về cách chính quyền thành phố theo dõi một phụ nữ Trung Quốc đến từ Bắc Kinh hồi tháng Hai vừa qua.

Trong lúc đợi một cuộc kiểm tra (được kết luận âm tính sau đó), Sobyanin cho biết chính quyền thành phố Moscow đã xác định được tài xế taxi đưa người phụ nữ này về nhà từ sân bay, một người bạn mà cô gặp bên ngoài khu chung cư vi phạm quy định lệnh kiểm dịch và thu thập dữ liệu về tất cả 600 người sống trong tòa nhà của cô gái này.

Ngoài ra, hệ thống này còn giúp chính quyền nắm rõ định vị địa lý đối với những cá nhân có khả năng mang theo virus. Sau đó, các nhà dịch tễ học sẽ lần theo dấu vết, để đưa ra gợi ý giúp nhà chức trách sớm khoanh vùng ổ dịch. Phương án này được các cấp chính quyền ở Nga sử dụng một cách đặt biệt hiệu quả.

Đầu tuần trước, Thủ tướng Mikhail Mishustin ra lệnh cho Bộ Truyền thông Nga triển khai hệ thống theo dõi dựa trên "dữ liệu định vị địa lý từ các nhà cung cấp dịch vụ di động cho một người cụ thể" vào cuối tuần này.

Theo đó, dữ liệu được hệ thống thu thập sẽ không ẩn danh, mà theo mô tả trong sắc lệnh của chính phủ, thông tin được thu thập qua hệ thống theo dõi sẽ được sử dụng để gửi tin nhắn cho những người đã tiếp xúc với người mang virus Corona và thông báo cho chính quyền khu vực để họ có thể đưa các cá nhân vào kiểm dịch.

Việc sử dụng hệ thống camera giám sát của Nga có thể gây tranh cãi, nhưng rõ ràng lúc này nó đang mang lại hiệu quả to lớn. Đây cũng là cách mà một số quốc gia khác như Israel hay Hàn Quốc tận dụng hệ thống cơ sở hạ tầng tiên tiến để phát hiện và kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19.

Tại Israel, dịch vụ bảo mật Shin Bet đã chuyển chương trình giám sát mạnh mẽ của mình để truy xuất các chuyển động của bệnh nhân virus Corona hoặc người bị nghi ngờ mang mầm bệnh.

Cơ chế này tương tự như cơ chế được sử dụng ở Nga - dữ liệu thẻ tín dụng và điện thoại được sử dụng để lập bản đồ và các quan chức y tế sau đó phải cảnh báo và cách ly những người ở trong phạm vi 2m, trong vòng 10 phút trở lên đối với người bị nhiễm virus, theo tin từ Bộ Y tế của Israel cho biết.

Trong một báo cáo vào hôm thứ Năm tuần trước, hệ thống bảo mật Shin Bet giúp các cơ quan y tế Israel xác định và cách ly hơn 500 cư dân được phát hiện mắc bệnh virus Corona.

Tại Hàn Quốc, Chính phủ đã sử dụng dữ liệu từ các giao dịch thẻ tín dụng, định vị điện thoại và cảnh quay để cung cấp thông tin chi tiết về bệnh nhân nhiễm virus Corona, mà không xác định cụ thể tên tuổi.

Kết quả là điều này tạo ra một bản đồ, nơi mọi người có thể nhìn thấy nếu họ ở gần một người mang mầm bệnh virus Corona.

Các nhà mạng di động trong Liên minh châu Âu đang chia sẻ dữ liệu với các cơ quan y tế ở Ý, Đức và Áo để giúp theo dõi cách mọi người tuân thủ lệnh cách ly xã hội.

Trong khi đó, Chính phủ Mỹ đang xem xét sử dụng dữ liệu ẩn danh được các đại gia công nghệ thu thập cho các mục đích tương tự.

Hoài Đức

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nga-su-dung-cong-nghe-nhan-dien-khuon-mat-de-kiem-soat-virus-corona-post75703.html