Nga-Syria 'đánh hội đồng' ở Idlib, số phận Thổ Nhĩ Kỳ sắp 'bi thảm'?
Các nhà phân tích dự đoán sẽ có thêm nhiều căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib buộc phải rời đi trong tương lai gần nếu không muốn đụng độ với quân đội Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ rời bỏ căn cứ lớn nhất
Các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu rút khỏi căn cứ lớn nhất ở tỉnh Idlib, đông bắc Syria hôm 20/10, theo Đài quan sát Nhân quyền Syria. Báo cáo cho biết, các đoàn xe chở quân nhân và thiết bị đã rời căn cứ Morek, một trong 12 trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập trong khu vực để giám sát lệnh ngừng bắn mong manh trong cuộc xung đột kéo dài 9 năm qua.
Vào năm 2019, căn cứ Morek đã bị bao vây bởi các lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad do Nga hậu thuẫn. Theo Reuters, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang củng cố sự hiện diện tại các trạm quan sát còn lại trong khu vực, mặc dù các nhà phân tích dự đoán sẽ có thêm nhiều căn cứ rời đi trong tương lai gần.
Oytun Orhan, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông ở Ankara, cho biết căn cứ Morek cùng với một số trạm quan sát khác của Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập vào năm 2018 đã không còn phục vụ mục đích ban đầu là giám sát các hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn sau khi chính quyền Assad giành được lãnh thổ và cô lập nơi đây.
“Nga và Syria đang cố gắng đẩy Thổ Nhĩ Kỳ lên phía Bắc hoặc ít nhất là loại bỏ các trạm quan sát này. Người ta hiểu rằng hai bên đã đạt được một thỏa thuận trong đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rời bỏ 4 trạm quan sát”, Orhan nói với Al-Monitor.
“Điều này không tạo ra sự thay đổi quan trọng trên thực địa. Không có sự suy giảm nào về số lượng quân lực Thổ Nhĩ Kỳ. Ngược lại, có sự gia tăng triển khai quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực, vì vậy không có khả năng nước này sẽ rút lui”.
Idlib vẫn là một trong những khu vực cuối cùng do phiến quân nắm giữ ở Syria, nơi các nhóm đối lập được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tiếp tục hoạt động, mặc dù giao tranh đã phần lớn lắng xuống sau lệnh ngừng bắn do Nga-Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian được thiết lập vào ngày 5/3.
Theo thỏa thuận ngừng bắn, các lực lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo ra một hành lang an ninh trên cả hai bên của đường cao tốc M4 và hai quân đội đã đồng ý tổ chức các cuộc tuần tra chung trên đường, mặc dù các cuộc tuần tra thực tế đã liên tục bị trì hoãn.
Khoảng 10.000 đến 15.000 quân Thổ Nhĩ Kỳ được bố trí tại khu vực Idlib, nơi Ankara cam kết giải giáp các tay súng nổi dậy liên kết với lực lượng dân quân cực đoan vẫn còn ở trong khu vực.
Theo báo cáo của truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, các đoàn xe chở thiết bị quân sự vẫn tiếp tục hỗ trợ các vị trí của Ankara ở Idlib, nhưng chuyên gia Orhan lưu ý rằng các nỗ lực tăng cường sức mạnh cho các trạm quan sát bị quân đội Syria bao vây có thể trở nên phức tạp hơn trong những tháng gần đây.
Diễn biến mới này diễn ra sau khi các phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ và Nga hội đàm vào tháng 9 về các cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Idlib và Libya, nơi hai nước ủng hộ các bên đối lập. Các quan chức Nga được cho là đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi một số trạm quan sát ở Idlib trong các cuộc đàm phán.
Ozgur Unluhisarcikli, Giám đốc Quỹ Marshall của Đức ở Ankara, cho biết việc Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi Morek có thể là một nỗ lực nhằm bảo vệ các lực lượng quân sự trong trường hợp xảy ra các cuộc đụng độ mới với quân đội Syria.
“Đây là một dấu hiệu cho thấy, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang suy yếu hơn nữa ở Syria”, Unluhisarcikli nói với Al-Monitor.
Áp lực từ châu Âu
Áp lực ngoại giao đối với sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria cũng đã tăng lên ở châu Âu.
Vào tháng 8, 68 thành viên của Nghị viện châu Âu đã kêu gọi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng ủy nhiệm “chấm dứt việc chiếm đóng bất hợp pháp” ở miền Bắc Syria và rút lui khỏi khu vực trong một lá thư được trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Các bên ký kết yêu cầu Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt “hỗ trợ chính trị, kinh tế và quân sự cho tất cả các nhóm” tham gia vào “các vi phạm nhân quyền có hệ thống” được nêu trong báo cáo.
Sau đó, vào ngày 13/10, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu lên án tuyên bố của người đồng cấp Thụy Điển Ann Linde, người cũng ám chỉ Thổ Nhĩ Kỳ nên rút khỏi các khu vực ở miền Bắc Syria.
Trong khi đó, các hoạt động chống khủng bố của Mỹ vẫn tiếp tục ở Idlib, nơi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã giết chết hai đầu sỏ al-Qaeda vào ngày 16/10 gần thị trấn Arab Sa'id. Vào tháng 10/2019, một chiến dịch quân sự của Mỹ ở Idlib đã tiêu diệt thủ lĩnh khủng bố IS Abu Bakr al-Baghdadi.
Theo Liên Hợp Quốc, có khoảng 4 triệu người sống ở tây bắc Syria, 2,7 triệu người trong số đó đã phải di dời do hậu quả của cuộc xung đột.