Trong những bộ trang phục thời Thế chiến 2 và trên những phương tiện cũ kỹ, các binh sĩ Nga tái hiện lại cuộc diễu binh lịch sử diễn ra cách đây 78 năm. Vào ngày 7/11/1949, Hồng quân Liên Xô tiến thẳng ra mặt trận để bảo vệ thủ đô trước sự tấn công của phát xít Đức, trong một trận chiến góp phần thay đổi cục diện Thế chiến 2.
Vào thời điểm đó, quân đội Đức đã tiến rất gần tới Moscow (chỉ còn cách 30 km) sau khi phát động chiến dịch Barbarossa vào tháng 6 với chiến thuật tốc hành. Thậm chí ở một vài địa điểm, các sĩ quan Đức Quốc xã còn có thể nhìn thấy các công trình của Moscow qua ống nhòm.
Khi số phận của Moscow đang ở thời khắc định đoạt, lãnh đạo Liên Xô khi đó là Joseph Stalin ra lệnh tổ chức cuộc duyệt binh để kích thích tinh thần các chiến sĩ, mặc dù trước đó cuộc duyệt binh vẫn diễn ra hàng năm để kỷ niệm Cách mạng tháng Mười năm 1917.
Mặc dù chịu nhiều tổn thất trước đó, các binh sĩ Hồng quân sau khi duyệt binh đã tiến thẳng ra mặt trận, tận dụng sự khắc nghiệt của mùa đông nước Nga để đẩy lùi phát xít Đức về phía Tây.
Đó là được coi là thất bại lớn đầu tiên của Đức từ khi Thế chiến 2 bắt đầu. Trận Moscow cũng góp phần làm thay đổi cục diện cuộc chiến khi quân đội Đức dần bị sa lầy ở mặt trận phía đông.
Cuộc diễu binh năm nay tại Quảng trường Đỏ được thực hiện với sự tham dự của 4.000 người trong trang phục năm 1941, cùng sự xuất hiện của những chiếc xe tăng T-34 lịch sử. Ảnh: AFP.
Mùa đông năm 1941 được cho là mùa đông lạnh nhất trong lịch sử từng được ghi lại, nhiệt độ lên tới -42 độ C ở một số khu vực khiến cho Luftwaffe (không quân Đức Quốc xã) bị tê liệt hoàn toàn.
Việc bảo vệ thành công Moscow được coi là một trong những chiến thắng quan trọng cả về mặt chiến thuật và tinh thần với Liên Xô trong Thế chiến 2. Moscow được phong Thành phố Anh hùng sau đó.
Điều này khiến cho cuộc diễu binh lịch sử năm 1941 trở thành một phần không thể thiếu với nước Nga, chỉ sau lễ duyệt binh ngày chiến thắng hàng năm.
Sơn Trần
Ảnh: AP