Nga tăng cường lực lượng phòng thủ bờ biển phương Bắc, sẵn sàng đáp trả bằng sức mạnh quân sự

Theo Bộ Quốc phòng Nga, trong năm nay, Moscow sẽ thành lập sư đoàn phòng thủ bờ biển mới nhằm bảo đảm an ninh toàn tuyến đường biển phương Bắc, từ Chukotka, đến Sakhalin bao gồm cả Kamchatka.

Nga sẽ thành lập sư đoàn phòng thủ bờ biển mới nhằm bảo đảm an ninh toàn tuyến đường biển phương Bắc. (Nguồn: The Moscow Times)

Nga sẽ thành lập sư đoàn phòng thủ bờ biển mới nhằm bảo đảm an ninh toàn tuyến đường biển phương Bắc. (Nguồn: The Moscow Times)

Theo đó, sư đoàn mới sẽ được trang bị toàn bộ các hệ thống vũ khí cần thiết để thực hiện nhiệm vụ tuần tra duyên hải.

Giới chuyên gia nhận định rằng, tuyến đường biển phương Bắc đang ngày càng trở nên quan trọng, việc Nga nắm quyền sử dụng tuyến đường này đã gây ra nhiều tranh cãi ở một số quốc gia. Và việc thành lập một sư đoàn phòng thủ mới ở đây sẽ tăng cường ảnh hưởng của Nga trong khu vực.

Tại Hội nghị tổng kết của Bộ Quốc phòng Nga diễn ra vào tháng 12/2021, việc thành lập sư đoàn mới đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đề cập.

Bộ trưởng Sergei Shoigu cho biết: “Trong biên chế của sư đoàn mới sẽ có trung đoàn phòng thủ bờ biển số 50, trung đoàn này hiện nay đang đóng quân ở Kamchatka, bảo đảm phòng thủ vùng Chukotka. Sư đoàn phòng thủ bờ biển mới là một bộ phận của cả một hệ thống phòng thủ, từ nam Primorye đến Bắc Cực".

Theo ông Sergei Shoigu, trong biên chế của sư đoàn có những đơn vị đặc nhiệm, hoạt động trên những chiến xe chuyên dụng 4 hoặc 6 bánh. Lực lượng của sư đoàn sẽ tập trung kiểm soát các eo biển của quần đảo Kuril, eo biển Bering, ngăn chặn và tấn công các cuộc đổ bộ của đối phương, hỗ trợ việc triển khai lực lượng của Hạm đội Thái Bình Dương ở Viễn Đông và Bắc Cực.

Bình luận về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu toàn diện về châu Âu và quốc tế tại Trường Kinh tế cao cấp (HSE) Vasily Kashin nhấn mạnh tuyến đường biển phương Bắc là một huyết mạch kinh tế vô cùng quan trọng. Trong tương lai, ý nghĩa của nó ngày càng tăng lên. Trong quá trình ấm lên toàn cầu, những tảng băng vùng Bắc Cực tan chảy, vì vậy việc lưu thông tàu thuyền nơi đây ngày càng trở nên sôi động.

"Vịnh Bering là điểm mấu chốt của huyết mạch này. Sư đoàn được trang bị những tổ hợp chống hạm bờ biển sẽ giúp Nga kiểm soát được eo biển này. Đây là địa điểm điểm duy nhất của Nga, mà từ đây tên lửa tầm trung không chỉ bay tới được Alaska, mà còn tới được tất cả các vùng thuộc phía Tây Bắc của Mỹ. Điều này càng làm tăng thêm ý nghĩa chiến lược của Chukotka”, chuyên gia Vasily Kashin nhận định.

Cựu Tổng tham mưu trưởng hải quân Nga, Đô đốc Valentin Selivanov, thông tin rằng trong tương lai, Tuyến đường biển phương Bắc sẽ hoạt động 24/24. Tàu bè nước ngoài, đặc biệt là tàu quân sự sẽ không được phép qua đây nếu không được sự đồng ý của Nga.

Đô đốc Valentin Selivanov cũng dự báo rằng Mỹ và phương Tây sẽ không hài lòng với điều này và sẽ có những hoạt động gây hấn ở Bắc Cực, như đã từng làm ở Biển Đen và ở Thái Bình Dương.

"Để điều này không xảy ra, chúng ta phải có biện pháp tăng cường phòng thủ. Những biện pháp đó được đưa ra trên cơ sở tính toán thận trọng, phân tích kỹ lưỡng sức mạnh của ta và đối phương, cũng như những yếu tố đặc thù trong tác chiến ở Bắc Cực. Chúng ta có đủ khả năng, có đủ vũ khí mới đã được hiện đại hóa, để sử dụng ở đây”, Cựu Tổng tham mưu trưởng hải quân Nga khẳng định.

Trao đổi với phóng viên iz.ru, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ordzhonikidze đánh giá rằng hiện nay, không chỉ có Mỹ và các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mà còn rất nhiều nước khác, không tiếp giáp với Bắc Cực cũng đặc biệt quan tâm tới vùng đất này. Mỹ đã tăng cường hiện diện quân sự, hiện diện tàu ngầm, xây dựng hạm đội tàu phá băng ở Bắc Cực.

Theo ông Sergei Ordzhonikidze, tuyến đường biển phương Bắc sẽ mang lại cho Nga những lợi ích không nhỏ. Đó là lưu thông hàng hóa, năng lượng và những dự án dầu khí ở Sakhalin.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nga nhấn mạnh: "Vấn đề Bắc Cực phải được giải quyết dứt điểm. Quan điểm chính trị và lợi ích kinh tế chỉ có thể khẳng định bằng sức mạnh quân sự”.

Trong khoảng mười năm trở lại đây, lực lượng lục quân của Nga không hiện diện ở Chukotka. Giai đoạn Chiến tranh Lạnh kết thúc (từ những năm 1980 đến giữa những năm 1990), Liên Xô bố trí ở Chukotka một sư đoàn bộ binh cơ giới rút gọn. Vì cơ sở hạ tầng yếu kém, nên vào những năm 1990, sư đoàn này bị giải thể.

Hiện nay, sân bay Ugolny ở Anadyl đã được nâng cấp, cho phép tiếp nhận tất cả các loại máy bay và máy bay trực thăng, như máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3, máy bay ném bom chiến lược siêu thanh, mang tên lửa Tu-160.

Tháng 12/2020, Bộ Quốc phòng Nga thông báo rằng trung đoàn không quân ở Kamchatka đã đưa những tiêm kích đánh chặn Mi-31BM (phiên bản dành cho hải quân), các đơn vị máy bay không người lái Orlan-10, Outpost vào trực chiến thường xuyên ở Aldyr.

Ở Kamchatka, Nga bố trí lực lượng không quân vận tải Mi-8 và Mi-26, máy bay tiêm kích đa năng Mi-35. Đây là những yếu tố quan trọng, giúp Nga không chỉ bảo vệ biên giới mà còn thực hiện hoạt động tiếp tế hỗ trợ cho toàn bộ vùng Bắc Cực.

(theo iz.ru)

Văn Đỉnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-tang-cuong-luc-luong-phong-thu-bo-bien-phuong-bac-san-sang-dap-tra-bang-suc-manh-quan-su-172293.html