Nga tăng gấp đôi số lượng cá heo để bảo vệ hạm đội Biển Đen?

Nga đã tăng gấp đôi số lượng cá heo được huấn luyện để bảo vệ hạm đội Biển Đen của mình ở bán đảo Crimea.

Trên đây là thông tin do Naval News, tờ báo chính thức của hải quân Hoàng gia Anh, đăng tải và được trang Business Insider dẫn lại ngày 17-6.

Trước đây, hải quân Nga đã sử dụng cá heo được huấn luyện cho mục đích quân sự để bảo vệ căn cứ hải quân của mình ở cảng Sevastopol. Theo đó, Moscow sử dụng cá heo như một công cụ nhằm ngăn chặn các hoạt động phá hoại tàu Nga tiềm tàng của Ukraine.

Hình ảnh vệ tinh do Công ty công nghệ không gian Maxar Technologies (Mỹ) chụp lại cho thấy hai bãi quây cá heo được huấn luyện của lực lượng Nga.

Một đàn cá heo bơi ở biển Đen. Ảnh: Shutterstock

Một đàn cá heo bơi ở biển Đen. Ảnh: Shutterstock

Chuyên gia về tàu ngầm và hệ thống dưới mặt nước H I Sutton viết trên Naval News rằng số lượng cá heo tại cảng Sevastopol đã tăng lên gấp đôi thời gian gần đây.

Động thái tăng gấp đôi số lượng cá heo được huấn luyện của Nga diễn ra sau khi xuất hiện một số cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhắm vào các tàu Nga trong khu vực.

Sevastopol là cảng lớn và là nơi đặt trụ sở hạm đội Biển Đen của Nga ở bán đảo Crimea. Nga đơn phương sáp nhập bán đảo Crimea từ năm 2014.

Cá heo được lực lượng Nga huấn luyện để chống lại các thợ lặn của lực lượng đặc nhiệm Ukraine hoặc lính thủy. Ở dưới nước, cá heo có thể bơi với vận tốc 60 km/giờ.

Theo Viện Hải quân Mỹ, quân đội Nga đã triển khai chương trình huấn luyện động vật có vú ở cảng Sevastopol kể từ thời chiến tranh lạnh. Ông Sutton cho biết động vật biển trong các chương trình này, bao gồm cá heo và cá voi trắng, được huấn luyện để dò tìm thợ lặn hoặc lính thủy và dò mìn dưới biển.

Hồi năm ngoái, hãng tin RIA Novosti dẫn lời một nguồn tin tiết lộ các chuyên gia Nga đã chuyển đổi những phát hiện bằng sóng âm dưới nước của cá heo thành tín hiệu để phân tích.

Bên cạnh Nga, nhiều quốc gia khác được cho là cũng huấn luyện động vật biển cho mục đích quân sự, bao gồm Mỹ, Thụy Điển, Israel và Triều Tiên.

Phạm Nghĩa

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nga-tang-gap-doi-so-luong-ca-heo-de-bao-ve-ham-doi-bien-den-20230617193307433.htm