Nga tăng tốc trở thành nhà cung cấp LNG hàng đầu vào năm 2030

Cuộc khủng hoảng năng lượng sau chiến sự Nga - Ukraine đã dần lắng xuống nhưng thị trường năng lượng toàn cầu lại có những thay đổi mạnh mẽ. Khi mối quan hệ giữa Nga và châu Âu tiếp tục xấu đi, Nga rất mong muốn phát triển các thị trường tiêu dùng mới.

Chiếm ưu thế khi là quốc gia giàu có về mặt năng lượng (dầu mỏ, khí đốt,…), hiện Nga cần phát triển công nghệ, cơ sở hạ tầng của riêng mình để tăng cường xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Nước này trước đây cung cấp khí đốt cho châu Âu chủ yếu qua đường ống dẫn.

Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm ngoái, quan hệ Nga - châu Âu xấu đi rõ rệt, Nga cắt mạnh nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu.

 Ảnh minh họa: Internet.

Ảnh minh họa: Internet.

Liên minh châu Âu đã quyết định ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027. Thậm chí, vào năm ngoái đã bắt đầu nhập khẩu LNG từ các quốc gia như Mỹ và Qatar.

Về phần mình, Nga đang tìm cách tăng xuất khẩu LNG cho các khách hàng mới sau khi xuất khẩu khí tự nhiên sang châu Âu giảm mạnh.

Tuy nhiên, sự tập trung kéo dài hàng thập kỷ của Nga vào mạng lưới đường ống rộng lớn từ Đức đến Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến nước này bị bỏ xa so với phần còn lại của thế giới về công nghệ LNG.

Vào năm 2021 trước khi xung đột nổ ra, LNG chiếm khoảng 15% tổng lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu của Nga. Nước này hy vọng sẽ tăng gấp ba lần xuất khẩu LNG vào năm 2030. Nếu đạt được mục tiêu này, Nga sẽ trở thành nước xuất khẩu LNG lớn.

Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, nhưng xuất khẩu LNG của nước này lại tụt lại phía sau so với Australia, Qatar và Mỹ.

Nga đang tăng tốc công nghệ hóa lỏng của riêng mình để cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất thiết bị LNG tốt nhất, từ Pháp đến Mỹ, những nước đã "quay lưng" với nước này sau khi xung đột với Ukraine nổ ra.

Vào tháng 4 năm nay, nhà xuất khẩu LNG tư nhân của Nga Novatek đã nhận được bằng sáng chế cho quy trình Arctic Cascade Modified (ACM) và dự án Yamal LNG do công ty này đứng đầu là nhà máy LNG lớn nhất ở Nga cho đến nay.

Morena Skalamera, giảng viên nghiên cứu về Nga và quốc tế tại Đại học Leiden, Hà Lan, cho biết: “Công nghệ LNG bản địa ở Bắc Cực đã trở thành ưu tiên tuyệt đối của Chính phủ Nga. Điều này còn lâu mới trở thành giải pháp thay thế khả thi cho công nghệ phương Tây, nhưng đây là động lực để xứ bạch dương tiếp tục cải thiện trong một nền kinh tế thời chiến”.

Khánh Vy (Theo HSNW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nga-tang-toc-tro-thanh-nha-cung-cap-lng-hang-dau-vao-nam-2030-post246971.html