Nga tạo ra hệ thống giám sát không gian đầu tiên ở Bắc Cực
Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tạo ra hệ thống không gian để giám sát khu vực Bắc Cực sau khi Ủy ban Nhà nước chấp thuận đưa vệ tinh Arktika-M số 2 vào hoạt động, Spunik dẫn nguồn tin từ Tập đoàn vũ trụ nhà nước Nga Roscosmos cho biết.
Trong một thành tựu công nghệ mang tính đột phá, Nga công bố đã phát triển một hệ thống khí tượng thủy văn trên không gian cho phép quan sát liên tục khu vực Bắc Cực.
"Ngày 27-4-2024, Ủy ban Nhà nước về thử nghiệm bay các tổ hợp không gian vì mục đích kinh tế - xã hội, khoa học và thương mại đã xem xét kết quả thử nghiệm chuyến bay của hệ thống không gian khí tượng thủy văn hình elip Arktika-M với tàu vũ trụ Arktika-M No.2. Dựa trên kết quả đánh giá, Ủy ban đã quyết định hoàn thành các cuộc thử nghiệm với việc đưa tàu vũ trụ Arktika-M No.2. vào hoạt động”, Roscosmos cho biết trong một tuyên bố.
Trước đó, vào cuối năm 2023, theo hãng tin TASS, vệ tinh khí tượng Arktika-M thứ 2 của Nga được phóng từ Sân bay vũ trụ Baikonur bằng tên lửa Soyuz-2.1b đã được đưa lên quỹ đạo chỉ định thành công với hệ thống đẩy Fregat.
Tên lửa Soyuz-2.1b mang vệ tinh Arktika-M No.2. được phóng lúc 12h18 trưa 16-12-2023 (giờ địa phương). Khoảng 9 phút sau khi phóng, hệ thống đẩy Fregat ở tầng trên đã cùng với vệ tinh tách khỏi tầng thứ 3 của tên lửa.
Hệ thống giám sát không gian về khí hậu và khí tượng thủy văn của vệ tinh Arktika được thiết kế để giám sát khí hậu và môi trường tại khu vực Bắc Cực. Hệ thống này sẽ cần ít nhất 2 vệ tinh để vận hành hiệu quả.