Nga tập trận bộ ba hạt nhân chiến lược vào đầu năm 2022
Theo thông tin mới nhất, cuộc tập trận chỉ huy-tham mưu mang tên 'Sấm sét' sẽ được tổ chức vào đầu năm 2022, với sự tham gia của 'bộ ba' vũ khí hạt nhân chiến lược Nga.
Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đã tiết lộ kế hoạch tiến hành các cuộc tập trận chỉ huy-tham mưu chiến lược “Sấm sét” (“Thunder”) Phương Đông (“East”) vào năm 2022, mà không tiết lộ ngày cụ thể. Các cuộc tập trận dạng này thường tổ chức vào cuối năm “huấn luyện quân sự”. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, cuộc tập trận chỉ huy-tham mưu mang tên “Sấm sét” sẽ được tổ chức vào đầu năm 2022, với sự tham gia của “bộ ba” vũ khí hạt nhân chiến lược Nga.
Lực lượng hạt nhân chiến lược Nga gồm ba bộ phận cấu thành từ lực lượng mặt đất - Lực lượng tên lửa chiến lược, lực lượng hải quân và lực lượng không quân (máy bay tên lửa chiến lược và máy bay ném bom thuộc Lực lượng Không quân - Vũ trụ).
Các cuộc diễn tập tương tự được thực hiện ở Liên bang Nga hàng năm. Trong cuộc tập trận, các tàu ngầm của Hạm đội Phương Bắc hoặc Lực lượng Tên lửa Chiến lược phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) từ silo hoặc di động vào các mục tiêu ở thao trường Kura (Bán đảo Kamchatka) và các tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương tấn công mục tiêu tại thao trường Chizha ở Okrug, thuộc vùng Arkhangelsk. Ngoài ra, hoạt động huấn luyện chiến đấu phóng tên lửa hành trình được thực hiện bởi các máy bay ném bom tầm xa của Lực lượng Không quân - Vũ trang Nga.
Theo các nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga, các hệ thống vũ khí siêu thanh cũng như các phương pháp sử dụng chúng, được lên kế hoạch thử nghiệm như một phần của cuộc tập trận. Các cuộc diễn tập được chỉ huy từ Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng ở Moscow. Các cuộc tập trận sắp tới nhằm củng cố các tuyên bố của Điện Kremlin, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Nga trong những tuần gần đây.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga đã đề xuất với phía Washington từ bỏ việc triển khai vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Dự thảo hiệp ước song phương do Liên bang Nga đề xuất cũng quy định việc từ bỏ cơ sở hạ tầng cho việc triển khai các loại vũ khí này ở các nước khác. Trong khi đó, phần lớn kho vũ khí hạt nhân ở nước ngoài của Mỹ đặt ở châu Âu. Theo Trung tâm Kiểm soát Vũ khí và Không phổ biến vũ khí, năm ngoái, có hàng trăm vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Đức, Italy, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan.
Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenbreg cho biết, Liên minh này có thể quyết định triển khai vũ khí hạt nhân ở Đông Âu. Tại Liên bang Nga, có ý kiến cho rằng Mỹ đang thay đổi chiến lược chính sách hạt nhân của mình. Sau đó, Lầu Năm Góc đã đáp trả những phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu rằng máy bay Mỹ đang thực hành các cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Nga.
Theo số liệu mới nhất do Bộ Quốc phòng Nga công bố sau cuộc họp vào tháng 12, tỷ lệ vũ khí hiện đại trong bộ ba hạt nhân Nga đã đạt 89,1% - một kỷ lục lịch sử. Đồng thời, việc tái vũ trang với các hệ thống tên lửa mới vẫn tiếp tục, và cơ sở hạ tầng cần thiết cho các lực lượng hạt nhân chiến lược đang được tạo ra. Theo thông báo của Bộ Quốc phòng, 95% tổng số bệ phóng mặt đất của Lực lượng Tên lửa Chiến lược đều làm nhiệm vụ chiến đấu 24/24 và sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào.
Theo số liệu, ước tính Nga có 532 bệ phóng chiến lược có thể mang khoảng 2.100 đầu đạn hạt nhân. Lực lượng Tên lửa Chiến lược ước tính có khoảng 320 hệ thống tên lửa hoạt động bao gồm các tên lửa có thể mang tới 1.181 đầu đạn.
Lực lượng chiến lược trên biển của Nga bao gồm 10 tàu ngầm tên lửa chiến lược đang hoạt động với các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Các tàu này có thể mang 144 tên lửa với tối đa 656 đầu đạn hạt nhân.
Lực lượng Không quân chiến lược Nga gồm 66 máy bay ném bom mang theo ước tính 200 tên lửa hành trình và bom tầm xa. Lực lượng này cũng vận hành ba vệ tinh của hệ thống cảnh báo sớm thế hệ mới, EKS và một mạng lưới các radar cảnh báo sớm.
Nga đã mở rộng các cuộc tập trận trong những năm gần đây trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây khi quan hệ giảm mạnh xuống mức thấp thời hậu Chiến tranh Lạnh sau vụ sát nhập Bán đảo Crimea năm 2014.
Lần gần đây nhất cuộc tập trận chiến lược “Thunder” được tổ chức vào năm 2019 có sự tham gia của khoảng 12.000 quân nhân, 213 bệ phóng của Lực lượng Tên lửa Chiến lược, 105 máy bay và trực thăng, 15 tàu, 5 tàu ngầm, 310 phương tiện chiến đấu và thiết bị đặc biệt. Hơn 15 vụ phóng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo cũng đã được thực hiện./.