Nga ''tháo được nút thắt'' của cuộc khủng hoảng khí đốt ở Moldova ra sao
Sau hơn một tháng không có khí đốt, Transnistria - khu vực thân Nga đã bắt đầu nhận được nhiên liệu, đầu tiên là nhờ sự giúp đỡ của Liên minh châu Âu và sau đó là khoản vay của Nga.

Ảnh minh họa
Ban đầu, nguồn cung khí đốt cho Transnistria được nối lại vào ngày 1/2. Khí đốt đã được cung cấp cho Moldova và Transnistria thông qua khoản tài trợ 30 triệu euro của EU, trong đó 20 triệu euro được phân bổ để mua khí đốt cho Transnistria và 10 triệu euro để mua điện cho Moldova trên các sàn giao dịch được cấp phép tại EU và Ukraine. Tuy nhiên thỏa thuận tài trợ này đã hết hạn vào ngày 10/2.
Theo Tổng thống Maia Sandu, sau ngày 10.2, Transnistria có 2 phương án để có khí đốt: Chấp nhận các điều kiện viện trợ của EU để tiếp nhận số tiền 60 triệu euro đủ cho trang trải các nhu cầu khí đốt của các hộ gia đình trong khu vực cho đến giữa tháng 4; hoặc tự tìm cách để đảm bảo nguồn khí đốt Nga hoặc khí đốt mua trong khu vực bằng tiền của Nga.
Tuy nhiên, Transnistria đã chọn cách nhận khí đốt Nga thông qua một công ty Hungary theo khoản vay của Nga. Đồng nghĩa với việc Transnistria đã từ chối lời đề nghị trị giá 60 triệu euro của Liên minh châu Âu (EU) để tài trợ cho việc mua khí đốt do việc này sẽ khiến người tiêu dùng phải dần dần trả nhiều tiền hơn cho khí đốt.
Dòng khí đốt của Nga chảy tới Transdniestria qua Ukraine đã dừng lại vào đầu tháng 1 và người dân trong khu vực, phải chịu cảnh mất điện luân phiên hằng ngày kéo dài từ bốn đến năm giờ trong suốt tháng 1, do lượng khí đốt còn lại trong đường ống của khu vực cạn kiệt.
Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas cáo buộc Nga đã sử dụng khí đốt như một loại vũ khí để tiến hành một cuộc chiến hỗn hợp chống lại Moldova.
Trong khi đó, vào tháng 12 năm ngoái, bà Sandu đã cáo buộc Gazprom gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng ở Moldova, nói rằng gã khổng lồ năng lượng của Nga từ chối cung cấp khí đốt thông qua một tuyến đường thay thế.
"Chúng ta phải tăng cường an ninh năng lượng của đất nước để người dân Moldova không bị bất kỳ ai tống tiền", Tông thống Sandu nói.
Chính phủ Moldova đổ lỗi cho Gazprom về cuộc khủng hoảng. Nguyên nhân là bởi Gazprom đã từ chối cung cấp khí đốt theo hợp đồng cho Transnistria thông qua tuyến đường Transbalkan thay thế và đã được thử nghiệm.
Trong khi đó, Gazprom phủ nhận tất cả các cáo buộc và cho biết lý do gây ra sự gián đoạn chính là các khoản nợ chưa thanh toán của Moldova - mà theo Moscow lên tới tổng cộng 709 triệu USD. Tuy nhiên, Moldova không công nhận khoản nợ đó và cho biết lập trường của họ được hỗ trợ bởi một cuộc kiểm toán quốc tế.
Sau cuộc khủng hoảng khí đốt vừa qua, Tổng thống Moldova Maia Sandu đã bổ nhiệm chuyên gia ngành khí đốt Dorin Dzunghietu làm Bộ trưởng Năng lượng mới, và ông đã tuyên thệ nhậm chức tại văn phòng Tổng thống vào sáng thứ Tư 19/2.
Ông Dzunghietu kế nhiệm Victor Parlicov, người bị sa thải vào tháng 12 vì không chuẩn bị cho khả năng ngừng cung cấp khí đốt cho khu vực Transdniestria ly khai của Moldova, do Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận trung chuyển với Nga.