Nga thay đổi chiến lược khi đề xuất đàm phán trực tiếp với Ukraine

Tổng thống Vladimir Putin dường như đang chơi nước cờ cao tay khi đề xuất tổ chức cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/5.

Nước cờ cao tay của ông Putin

Sau thời gian dài xem xét lời kêu gọi của Ukraine và Mỹ về lệnh ngừng bắn hoàn toàn trong 30 ngày, nhà lãnh đạo Nga đã đề xuất các cuộc đàm phán trực tiếp giữa phái đoàn Ukraine và Nga tại Istanbul - điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiệt tình ủng hộ. Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp đầu tiên giữa hai bên kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022.

Tổng thống Putin đề xuất đàm phán trực tiếp với Ukraine. Ảnh: Reuters

Tổng thống Putin đề xuất đàm phán trực tiếp với Ukraine. Ảnh: Reuters

Tổng thống Ukraine Zelensky dường như muốn đặt cược vào ván bài này. Ông nói: “Tôi sẽ đợi ông Putin ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/5. Tôi hy vọng lần này, Nga sẽ không đưa ra lý do để thoái thác”. Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng nếu ông Putin từ chối gặp ông tại Thổ Nhĩ Kỳ thì điều này có thể cho thấy Moscow không có ý định chấm dứt cuộc chiến.

Điện Kremlin vẫn chưa tiết lộ Nga sẽ cử nhân vật nào đến Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cho biết Moscow "đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán". Về phần mình, Tổng thống Putin khẳng định Nga chưa bao giờ từ chối đối thoại với Ukraine.

Giới phân tích nhận định, việc đề xuất đàm phán sẽ có lợi cho Nga khi Moscow đang cố gắng định hình lại các quy tắc theo điều khoản của họ trong bối cảnh Ukraine và một số nước châu Âu kêu gọi ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện trong 30 ngày - lời kêu gọi mà Nga vẫn chưa phản hồi.

Ông Alexander Baunov, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết: "Người phát ngôn của Nga nhiều lần tuyên bố rằng một lệnh ngừng bắn đơn giản sẽ mang lại cho Ukraine lợi thế quân sự, cho phép họ tận dụng thời gian để xây dựng các công sự, sản xuất và nhập khẩu vũ khí một cách an toàn cũng như huy động lực lượng”.

Theo nhà phân tích này, bằng việc đề xuất đàm phán thay vì dừng chiến đấu, quân đội Nga có thể tiếp tục tấn công ở tiền tuyến và tập kích các vị trí hậu phương của Ukraine, tăng cường sức ép ngoại giao bằng vũ lực.

Đồng thời, động thái này có thể xoa dịu cả những người theo đường lối cứng rắn trong nước và những nhân vật hoài nghi trên trường quốc tế. "Đề xuất của Nga cho phép ngăn chặn hoặc trì hoãn việc Mỹ rút khỏi các cuộc đàm phán – điều mà Tổng thống Trump từng cảnh báo trong trường hợp một hoặc cả hai bên không hợp tác. Ngoài ra, điều đó cũng làm dịu tình hình trong nước, trấn an quân đội, các nhà quan sát nước ngoài và cuối cùng là bộ phận ủng hộ xung đột trong dư luận Nga", ông Baunov lưu ý.

"Quyết định của Nga nối lại các cuộc đàm phán bị gián đoạn là điều phù hợp nhất để cân bằng giữa sự thỏa hiệp và mong muốn chiến đấu, giữa tính hợp pháp và quyền lực", nhà phân tích này nói.

Nga thay đổi chiến lược?

Tatiana Stanovaya, người sáng lập dự án phân tích chính trị R. Politik lưu ý, đề xuất đàm phán trực tiếp không nên bị hiểu nhầm là sự thay đổi trong chiến lược của Nga hoặc là dấu hiệu cho thấy Moscow sẵn sàng nhượng bộ Ukraine.

"Mục đích của Nga có thể là ngăn chặn phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, tận dụng sự suy yếu về vị thế của ông Zelensky. Ngoài ra, Moscow nhiều khả năng muốn Ukraine dỡ bỏ lệnh cấm đàm phán với Nga, điều này sẽ cho phép sự tiếp cận rộng rãi hơn. Tổng thống Putin dường như nhận thức được rằng, với tình trạng hiện tại Ukraine rất khó đồng ý với các điều khoản của Nga", bà Stanovaya đánh giá trong bài bình luận trên mạng xã hội X.

Cựu nhà ngoại giao Nga Boris Bondarev cũng đưa ra quan điểm tương tự. Ông cho rằng: "Nga không chỉ đàm phán với Ukraine mà còn phải đàm phán với Mỹ, bởi cuộc xung đột tại Ukraine giống như cuộc chiến ủy nhiệm”.

Cho đến thời điểm hiện tại, Điện Kremlin vẫn giữ im lặng về câu hỏi liệu Tổng thống Putin có gặp trực tiếp Tổng thống Zelensky hay không, thay vào đó, họ đã nhắc lại lời đề nghị đàm phán trực tiếp của ông Putin tại Istanbul. "Nhìn chung, chúng tôi vẫn cam kết nỗ lực nghiêm túc hướng tới một giải pháp hòa bình lâu dài", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định.

Ông Oleg Ignatov - nhà phân tích cấp cao về Nga thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group) nói với ABC rằng, sẽ là "một bất ngờ lớn" nếu Tổng thống Putin đến Istanbul.

"Theo thông lệ, Tổng thống Putin sẽ không gặp bất kỳ ai mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước cuộc gặp gần đây nhất giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine vào năm 2019, Điện Kremlin đã phải chuẩn bị trong nhiều tháng", ông Oleg Ignatov nói.

Lời đề nghị đàm phán trực tiếp của Tổng thống Putin được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu đến thăm Ukraine vào tuần trước, bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với đề xuất của Ukraine về lệnh ngừng bắn hoàn toàn trong 30 ngày. Cho đến nay, Tổng thống Putin vẫn chưa tán thành đề xuất này. Về phía Mỹ, Tổng thống Trump dường như ủng hộ cả lệnh ngừng bắn trong 30 ngày và lời đề nghị đàm phán trực tiếp của Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo ông Oleg Ignatov, ngay cả khi hai bên tiến hành đàm phán thì triển vọng đạt được một bước đột phá sẽ rất xa vời: “Nga nhiều lần thể hiện lập trường duy trì gây áp lực quân sự và ngoại giap đối với Ukraine. Họ từng nói rõ rằng các cuộc đàm phán kéo dài và Ukraine nên chuẩn bị cho điều này".

“Cả hai bên dường như đang đẩy quả bóng về sân của đối phương. Còn Tổng thống Trump đang theo dõi mọi động thái với hy vọng các bên đạt được một thỏa thuận hòa bình mà ông có thể coi là chiến thắng về mặt chính trị trong nhiệm kỳ hai”.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo ABC News

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nga-thay-doi-chien-luoc-khi-de-xuat-dam-phan-truc-tiep-voi-ukraine-post1199296.vov