Ưu thế giúp Trung Quốc cứng rắn với Mỹ trong thương chiến

Trước khi đạt được thỏa thuận tạm hoãn áp thuế 90 ngày, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bước vào giai đoạn căng thẳng cao độ. Tuy nhiên, không giống như các nền kinh tế khác chọn thương lượng để tránh đòn thuế, Trung Quốc liên tục đáp trả động thái từ Washington. Đâu là ưu thế giúp Trung Quốc có thể cứng rắn với Mỹ trong thương chiến?

Chỉ trong tháng 4/2025, mức độ leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc trong thương chiến đã khiến thế giới hốt hoảng, khi các con số đều vượt xa dự đoán. Mức thuế cao nhất được Washington và Bắc Kinh áp lên hàng nhập khẩu của nhau là 145% và 125%.

Trong khi nhiều nền kinh tế lập tức tìm cách tiếp cận Tổng thống Donald Trump để thương lượng, nhằm giảm bớt tác động từ sắc thuế, Bắc Kinh lại lựa chọn thể hiện lập trường cứng rắn: tuyên bố sẽ đấu tới cùng với Mỹ, thay vì nhượng bộ hay đàm phán, và liên tục tung đòn trả đũa theo từng động thái của Washington.

Dù ông Trump sau đó đã dịu giọng, nói con số 145% sẽ giảm nếu hai bên đạt thỏa thuận, phía Trung Quốc khẳng định không có đàm phán nào diễn ra. Thay vào đó, Bắc Kinh yêu cầu Washington xóa bỏ mọi hàng rào thuế áp trên hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, đến ngày 12/5/2025, cả hai đã đạt thỏa thuận tạm hoãn thuế từ hai phía trong 90 ngày.

Theo đó, từ ngày 14/5/2025, phần lớn sắc thuế sẽ được tạm dỡ bỏ: Mỹ giảm thuế áp lên hàng Trung Quốc từ 145% xuống 30%, Trung Quốc giảm thuế với hàng Mỹ từ 125% xuống 10%. Trong tuyên bố sau thỏa thuận, ông Trump nói có thể điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tuần, và gọi diễn biến mới trong đàm phán là "cuộc thiết lập lại" quan hệ kinh tế song phương.

Có thể thấy, thỏa thuận tạm hoãn thuế giữ vai trò như một khoảng lặng chiến thuật để cả hai tiến tới thương lượng, chứ chưa phải một bước ngoặt chiến lược. Theo chuyên gia Carlos Lopes - Cộng tác viên tại Viện Chatham House, "hành động này có ý nghĩa quan trọng, chủ yếu vì phản ánh sự rút lui chiến lược từ Mỹ, chứ không phải sự điều chỉnh toàn diện trong chính sách với Trung Quốc".

Ông Lopes nói việc Trung Quốc giữ vững lập trường trong khi Mỹ phải điều chỉnh nhằm tránh các tác động tiêu cực ngày càng lớn trong nước, và lý do sâu xa khiến Washington "xuống thang" là do áp lực từ chính nền kinh tế nội địa. Vậy, đâu là lý do cốt lõi giúp Trung Quốc có thể cứng rắn với Mỹ trong thương chiến?

Lỗ hổng trong logic của Mỹ

Vào năm 2018, khi Mỹ lần đầu châm ngòi chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên Twitter rằng "khi một nước (Mỹ) đang đánh mất hàng tỷ USD trong hoạt động thương mại với hầu hết quốc gia mà họ làm ăn cùng, thì thương chiến là điều tốt và dễ dẫn đến chiến thắng".

Sau 7 năm, ông Trump trở lại Nhà Trắng và lần nữa khơi mào cho một cuộc chiến được dự báo thậm chí gây ra tác động lớn hơn nhiều so với lần trước. Lần này, đến lượt Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đưa ra bình luận tương tự.

Tôi nghĩ sự leo thang của Trung Quốc là một sai lầm lớn, vì họ chỉ có một đôi hai trong ván bài này. Nếu Trung Quốc tăng thuế, thì chúng ta mất gì chứ? Chúng ta xuất sang họ 1/5 những gì họ xuất sang chúng ta, nên đây là một ván bài thua với họ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent

Dù là thương chiến 1.0 hay 2.0, có thể thấy nhận định của Nhà Trắng là khi xung đột thuế quan diễn ra, Trung Quốc nghiễm nhiên ở cửa dưới bất lợi, trong khi Mỹ sẽ ở cửa trên và giành chiến thắng. Theo Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson Adam S. Posen, chính quyền Trump tin rằng họ đang nắm giữ ưu thế leo thang với Trung Quốc và mọi nền kinh tế khác mà Mỹ có thâm hụt thương mại.

Ưu thế này được định nghĩa là "một bên tham chiến có thể leo thang xung đột bằng các biện pháp gây bất lợi hoặc tốn kém cho đối thủ, nhưng đối thủ không thể trả đũa bằng điều tương tự". Niềm tin vào ưu thế này dựa trên việc Mỹ xuất khẩu sang các nước khác ít hơn nhiều giá trị họ xuất sang Mỹ, như những gì ông Bessent đề cập. Dựa trên logic này, Trung Quốc, Canada, và bất kỳ nước nào khác dám trả đũa sắc thuế của Mỹ được xem là đang chơi một ván bài nắm chắc phần thua.

Nhưng vấn đề là logic này có chính xác hay không? Việc Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn hẳn so với chiều ngược lại là một ưu thế chứ không phải bất lợi, vì dân Mỹ không mua hàng để làm... từ thiện mà thực sự muốn và cần các mặt hàng được sản xuất tại Trung Quốc. Hơn nữa, nhiều mặt hàng trong đó không thể thay thế được trong tương lai gần, hoặc nếu có thể sản xuất tại Mỹ cũng khiến giá thành đội lên khủng khiếp.

Một ví dụ là iPhone - mặt hàng chiếm hơn một nửa số điện thoại thông minh đang được bán ra ở Mỹ. Mỗi năm, Apple bán hơn 220 triệu iPhone và theo phần lớn ước tính, 80-90% được sản xuất ở Trung Quốc. Từ màn hình cho đến pin, nhiều linh kiện trong sản phẩm của Apple được sản xuất, gia công và lắp ráp thành iPhone, iPad hoặc Macbook tại quốc gia châu Á trước khi được vận chuyển sang Mỹ. Và, người dân Mỹ chắc chắn sẽ phàn nàn dữ dội nếu giá iPhone tăng gấp đôi.

Do đó, dễ hiểu vì sao Nhà Trắng đã thông báo miễn thuế với điện thoại thông minh, thiết bị điện tử, chất bán dẫn, pin mặt trời, màn hình TV, ổ đĩa flash và thẻ nhớ v.v... sau 1 tuần triển khai thuế đối ứng. Đây được xem là động thái nhằm bảo vệ các tập đoàn công nghệ lớn như Apple trước sức ép đáng kể từ dư luận trong nước.

Tuy nhiên, iPhone và hàng điện tử không phải là ví dụ duy nhất. Khoảng 80% máy điều hòa nhiệt độ trên toàn cầu được sản xuất ở Trung Quốc, đi cùng với 75% số quạt điện mà Mỹ nhập khẩu. Đó cũng là tỉ lệ của búp bê và xe đạp được Mỹ nhập từ Trung Quốc. Đương nhiên, tất cả đều có thể được sản xuất ở Mỹ, nhưng thời gian để xây nhà máy mới là quá lâu và giá thành cuối cùng có thể sẽ quá cao.

Việc Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn hẳn so với chiều ngược lại là một ưu thế chứ không phải bất lợi, vì người dân Mỹ thực sự muốn và cần các mặt hàng được sản xuất tại Trung Quốc

Việc Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn hẳn so với chiều ngược lại là một ưu thế chứ không phải bất lợi, vì người dân Mỹ thực sự muốn và cần các mặt hàng được sản xuất tại Trung Quốc

Ưu thế từ chênh lệch thương mại

Khi thương chiến bùng nổ, quyền tiếp cận sản phẩm mà cả hai bên đều muốn và cần, cũng như hàng hóa mà doanh nghiệp và người dân sẵn sàng mua, đều sẽ bị cắt đứt. Bên cạnh đó, sự so sánh của ông Bessent cũng không chính xác, vì thương mại hiện đại không giống như chơi bài poker.

Nếu poker là trò chơi có tổng bằng "0": tôi thắng khi bạn thua; bạn thắng khi tôi thua, thì thương mại lại là trò chơi có tổng dương, cả hai bên cùng có lợi. Khi chơi bài, bạn không nhận được gì cho tiền cược của mình trừ khi thắng, nhưng trong thương mại, bạn ngay lập tức nhận lại dưới dạng hàng hóa và dịch vụ mà mình mua.

Do đó, nếu lấy chênh lệch cán cân thương mại làm yếu tố quyết định thắng - thua, thì lợi thế phải nằm ở bên thặng dư, chứ không phải bên thâm hụt. Khi thương chiến xảy ra, bên thặng dư là Trung Quốc đang từ bỏ doanh số, trong khi bên thâm hụt là Mỹ lại đang từ bỏ hàng hóa và dịch vụ mà bản thân không thể sản xuất một cách cạnh tranh hoặc hoàn toàn không thể sản xuất trong nước.
Do đó, bên mất doanh số có thể giảm chi tiêu, tìm nguồn doanh số khác hoặc sử dụng nguồn tiền tiết kiệm (bằng gói kích thích tài khóa chẳng hạn). Như hầu hết nước có thặng dư thương mại tổng thể, Trung Quốc tiết kiệm nhiều hơn đầu tư, nên việc điều chỉnh sẽ tương đối dễ. Do đó, tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng sẽ không xảy ra, và Trung Quốc có thể thay thế phần lớn lượng hàng bán sang Mỹ bằng doanh số nội địa hoặc bán hàng sang các nước khác.
Ngược lại, bên thâm hụt như Mỹ lại chi nhiều hơn tiết kiệm. Trong thương chiến, họ phải từ bỏ hoặc cắt nguồn cung hàng mình cần, do giá cả bị đội lên bởi sắc thuế. Vì hàng hóa không có tính thanh khoản cao, hoặc dễ thay thế như tiền, nên tác động của nó sẽ được cảm nhận nhanh hơn, ở các ngành công nghiệp hay hộ gia đình đối mặt với sự thiếu hụt. Và đôi khi là thiếu các mặt hàng thiết yếu mà không thể thay thế được trong ngắn hạn.

Hơn nữa, các nước có thâm hụt thương mại cũng nhập khẩu vốn - điều khiến Mỹ dễ bị tổn thương hơn, gây mất lòng tin từ nhà đầu tư quốc tế. Khi Washington áp mức thuế khổng lồ và gây bất ổn lớn cho chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, họ sẽ giảm đầu tư vào Mỹ và rốt cuộc làm tăng lãi suất nợ của nước này. Tóm lại, nếu "leo thang" trong cuộc chiến tranh thương mại, Mỹ sẽ chịu tổn thất nhiều hơn Trung Quốc!

Chiến lược của Trung Quốc

Trong hoàn cảnh trên, chiến lược mà Trung Quốc lựa chọn sẽ là chờ đợi và có động thái đáp trả tương ứng với mỗi sự leo thang. Đây chính xác là những gì đã diễn ra trong tháng 4 vừa qua.

Sau thời gian ngắn đẩy sắc thuế lên đỉnh điểm, Mỹ đã liên tục gợi ý rằng Trung Quốc nên nhấc điện thoại lên và gọi cho họ. Tuy nhiên, với việc ông Trump cho thấy sự rút lui một cách vội vã trước sức ép trong nước, thì chẳng có động lực nào để Trung Quốc phải nói chuyện, chứ đừng nói đến việc "xuống thang".

"Ai thắt nút thì phải tháo nút. Việc tăng thuế đơn phương bắt đầu từ Mỹ. Nếu Mỹ thực sự muốn giải quyết vấn đề, họ nên lắng nghe tiếng nói hợp lý của cộng đồng quốc tế và các bên liên quan trong nước, xóa bỏ hoàn toàn mọi biện pháp thuế đơn phương với Trung Quốc và tìm cách giải quyết bất đồng qua đối thoại bình đẳng", phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc He Yadong ngày 24/4/2025 nói.

Tuy nhiên, Mỹ không thể xuống thang quá nhanh khi bản thân là bên bắt đầu, và cũng không muốn tỏ ra yếu tế trong cuộc "thi gan, đọ mắt" với đối thủ được họ miêu tả là bên tuyệt vọng hơn. Kết quả, cuộc đàm phán và thỏa thuận đã diễn ra sau thời gian chờ đợi thích hợp.

"Cuộc đàm phán diễn ra vào thời điểm này vì hai bên đều nhận thấy đây là lúc họ có thể ngồi vào bàn thương lượng mà không bị xem là đã nhượng bộ đối phương", Stephen Olson - Nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS - Yusof Ishak, Singapore nhận định.

Về phần mình, nếu muốn cứng rắn hơn nữa, Bắc Kinh vẫn sở hữu một số công cụ mạnh mẽ để có thể triển khai. Hiện, Trung Quốc sản xuất gần 50% thành phần được sử dụng trong thuốc kháng sinh mà người Mỹ phụ thuộc. Việc nước này siết chặt xuất khẩu hơn nữa sẽ khiến Mỹ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt các nguyên liệu quan trọng, từ các thành phần cơ bản của hầu hết dược phẩm, chất bán dẫn giá rẻ sử dụng trong ô tô, đồ gia dụng, cho đến khoáng sản quan trọng trong quy trình công nghiệp.

Máy bay F35 - xương sống của Không quân Mỹ, đòi hỏi các thành phần đất hiếm từ Trung Quốc - nơi khai thác 70% và chế biến tới 90% nguồn cung đất hiếm toàn cầu. Ngược lại, không có hoạt động sản xuất đất hiếm nào diễn ra tại Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là chủ sở hữu nước ngoài lớn thứ hai của trái phiếu kho bạc Mỹ - một lợi thế quan trọng vào thời điểm thị trường đang căng thẳng.

Đất hiếm - một trong những lá bài giành ưu thế của Trung Quốc trong thương chiến

Đất hiếm - một trong những lá bài giành ưu thế của Trung Quốc trong thương chiến

Đó là chưa kể đến sức ép của dư luận trong nước và sự cần thiết phải xoa dịu thị trường chứng khoán Mỹ. Dù ông Trump và quan chức Nhà Trắng đều khẳng định các thay đổi của chính quyền đều nằm trong kế hoạch dài hạn, những nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay trong mỗi quyết định, Tổng thống Mỹ đều được trợ lý và thành viên Nội các tham vấn.

Với Trung Quốc, chiến lược chờ đợi là để kéo dài xung đột theo cách có lợi cho mình: làm chậm tổn thất, duy trì thế đứng và chờ thời. Bắc Kinh không đặt cược vào một giải pháp ngoại giao toàn diện, cũng không kỳ vọng sự trở lại của trạng thái trước 2018, mà chỉ cần đạt mục tiêu tồn tại lâu hơn Mỹ trong bối cảnh cạnh tranh không lối thoát rõ ràng. Chiến lược này có thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tốc độ phục hồi của nền kinh tế, phản ứng của người dân và sự hợp tác của các đối tác thương mại toàn cầu.

Khởi Vũ

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/uu-the-giup-trung-quoc-cung-ran-voi-my-trong-thuong-chien-317906.html