Theo hợp đồng ký năm 2018, đúng ra Nga cần bàn giao hai trung đoàn hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Ấn Độ trước khi kết thúc năm 2023, nhưng thông báo mới nhất cho biết thời hạn này đã bị đẩy tới năm 2026.
Lý do cho sự chậm trễ chính là xảy ra chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, dẫn đến loạt lệnh trừng phạt được phương Tây tung ra sau đó.
Hiện tại Lực lượng vũ trang Ấn Độ đã triển khai 3 trung đoàn S-400 Triumf ở biên giới với Pakistan và Trung Quốc, New Delhi rất mong chờ 2 hệ thống tiếp theo được giao sớm để "phủ kín" bầu trời, nhưng họ đã phải thất vọng.
Ngoài ra cần lưu ý, Ấn Độ hiện cũng đang nghiên cứu một tổ hợp tên lửa phòng không của riêng mình với tính năng tương tự S-400, mặc dù vậy thông tin cụ thể của dự án này hiện chưa được tiết lộ.
Trước tình hình trên, theo ấn phẩm Defense Express, tồn tại hai lý do dẫn đến sự chậm trễ đáng kể trong việc chuyển giao S-400 của Nga cho Ấn Độ.
Đầu tiên là chuỗi sản xuất S-400 của Nga không chỉ phụ thuộc vào công nghệ phương Tây mà còn "gắn chặt" vào nguồn cung từ Trung Quốc, đặc biệt là chất bán dẫn và chip xử lý tốc độ cao.
Ví dụ nếu chúng ta đi vào chi tiết, tại Nhà máy chế tạo máy Avangard ở Moskva - nơi sản xuất tên lửa phòng không thuộc dòng 48N6 cho tổ hợp S-400, phần mềm từ American Extreme Networks đã được sử dụng.
Trong khi đó từ Trung Quốc, Công ty Almaz-Antey đã nhận được những linh kiện để sản xuất radar cảnh giới tầm xa 96L6E - thành phần quan trọng đối với hệ thống phòng không S-400 Triumf.
Tất cả những sắc thái công nghệ này có thể đã góp phần dẫn đến việc Ấn Độ không nhận được toàn bộ các tổ hợp mà Nga đã hứa bàn giao đầy đủ vào năm 2023, như quy định trong hợp đồng ký năm 2018.
Nhưng còn yếu tố nữa cần tính tới đó là Ấn Độ có thể che giấu mong muốn tiếp tục mua S-400 từ Nga, sau khi nhận thấy các đặc điểm trong thực chiến của vũ khí nước này thường không đúng với quảng cáo.
Hơn nữa phải quay lại với việc Ấn Độ đã lên kế hoạch biên chế hệ thống phòng không "tương tự S-400" của riêng mình vào năm 2028 - 2029, và thời hạn như vậy chỉ thực tế trong điều kiện đã nhận đủ các tổ hợp S-400 được Liên bang Nga giao trong tương lai.
Sẽ cần thêm thời gian để đánh giá thực sự những gì đã diễn ra, tuy nhiên do chậm trễ tới 3 năm trong việc giao nốt 2 trung đoàn hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf còn lại thì rõ ràng Nga sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề.
Đầu tiên chính là khoản phạt hợp đồng dự kiến ở mức không hề nhỏ. Tiếp đó, Ấn Độ thậm chí có thể hủy bỏ hợp đồng mà Nga chẳng thể làm gì khác do họ là bên vi phạm thỏa thuận trước.
Cuối cùng, triển vọng vũ khí Nga giữ được thị phần trên thế giới như kỳ vọng của Điện Kremlin cũng rất dễ tiêu tan, bởi vì khó có khách hàng nào đủ kiên nhẫn chờ đợi đơn hàng của mình liên tục bị trì hoãn như trường hợp xảy ra với Ấn Độ.