Nga thông báo bắt đầu sản xuất tên lửa đẩy Rokot-M, chấm dứt sử dụng một hệ thống của Ukraine

Theo hãng tin TASS, Giám đốc điều hành Trung tâm vũ trụ Khrunichev Alexey Varochko thông báo, Nga bắt đầu sản xuất tên lửa đẩy Rokot-M trang bị hệ thống điều khiển trong nước, thay thế cho hệ thống do Ukraine chế tạo.

Tên lửa đẩy hạng nhẹ Rokot của Nga được phát triển từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-18 theo chương trình chuyển đổi khí tài quân sự thành sản phẩm dân dụng. (Nguồn: TASS)

Tên lửa đẩy hạng nhẹ Rokot của Nga được phát triển từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-18 theo chương trình chuyển đổi khí tài quân sự thành sản phẩm dân dụng. (Nguồn: TASS)

Trả lời phỏng vấn, ông Varochko tiết lộ: “Dự án Rokot-M đã được ký kết, trong đó chúng tôi sẽ hợp tác cung cấp các bộ phận và hiện đang tiến hành sản xuất sản phẩm thử nghiệm, cũng như các bộ phận dẫn đường cho tên lửa đầu tiên”.

Vào tháng 5/2022, Nga thông báo kế hoạch phóng tên lửa đẩy nói trên tại trung tâm vũ trụ Plesetsk năm 2024.

Ban đầu, vụ phóng dự kiến được thực hiện vào năm 2022. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra chi tiết, các chuyên gia kết luận phần còn lại của tên lửa cần được nâng cấp.

Năm 2018, Trung tâm vũ trụ Khrunichev thông báo đang tiến hành chế tạo tên lửa Rokot-2 với hệ thống điều khiển mới, thay thế các thiết bị của Ukraine được lắp đặt trên các phương tiện phóng Rokot.

Tên lửa đẩy hạng nhẹ Rokot được phát triển từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-18 theo chương trình chuyển đổi khí tài quân sự thành sản phẩm dân dụng. Vụ phóng tên lửa Rokot đầu tiên được thực hiện từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở miền Bắc nước Nga vào năm 2000.

Tổng cộng, Trung tâm vũ trụ Khrunichev đã sản xuất và phóng hơn 30 tên lửa với hệ thống điều khiển của Ukraine trong khuôn khổ dự án Rokot.

(theo TASS)

Hà Thu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-thong-bao-bat-dau-san-xuat-ten-lua-day-rokot-m-cham-dut-su-dung-mot-he-thong-cua-ukraine-222968.html