Nga thông báo biện pháp tài chính đáp trả các nước phương Tây
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: AFP/TTXVN
Hãng thông tấn RIA ngày 26/2 dẫn lời Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết Nga sẽ đáp trả việc các nước phương Tây phong tỏa tiền của công dân và các công ty Nga, theo đó sẽ phong tỏa tiền của người nước ngoài và các công ty nước ngoài tại Nga.
Ông Medvedev cho biết thêm rằng Moscow không loại trừ khả năng quốc hữu hóa tài sản của các công ty đăng ký kinh doanh tại Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và "các thể chế không thân thiện" khác.
Thông báo trên được đưa ra một ngày sau khi Điện Kremlin cho biết Nga sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do các biện pháp trừng phạt của phương Tây, song nước này sẽ vẫn ứng phó được.
Cùng ngày 26/2, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết các lệnh trừng phạt hiện nay chống Nga có thể là lý do để Moscow xem xét lại quan hệ với tất cả các nước áp đặt trừng phạt.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Vkontakte, ông Medvedev viết: "Các lệnh trừng phạt là lý do rõ ràng để xem xét lại toàn bộ quan hệ với những nước đã áp đặt trừng phạt và dừng đối thoại về sự ổn định chiến lược".
Ông cũng nhấn mạnh rằng các biện pháp hạn chế này sẽ không thay đổi bất cứ điều gì, kể cả quyết định của Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở vùng Donbass. Ông Medvedev khẳng định chiến dịch này sẽ được thực hiện đầy đủ cho đến khi đạt kết quả cuối cùng.
Theo ông Medvedev, phương Tây cũng đang đe dọa phong tỏa tiền của các công dân và công ty Nga ở nước ngoài, điều này sẽ chỉ dẫn đến một sự đáp trả tương ứng, cụ thể là phong tỏa tiền của người nước ngoài và công ty nước ngoài ở Nga.
Trong khi đó, Bộ Kinh tế Nga cho biết một trong số các biện pháp của Moscow đối phó với các lệnh trừng phạt được cho là sẽ mở rộng quan hệ kinh tế thương mại với khu vực châu Á.
Trong một diễn biến mới nhất, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 26/2 thông báo các lực lượng vũ trang Nga đã phá hủy 821 mục tiêu hạ tầng quân sự ở Ukraine. Người phát ngôn trên nêu rõ trong số các mục tiêu bị phá hủy có 14 sân bay quân sự, 19 điểm kiểm soát và trung tâm thông tin liên lạc, 24 hệ thống tên lửa phòng không S-300 và Osa, 48 trạm radar.
Ngoài ra, 7 trực thăng và 9 máy bay không người lái đã bị bắn hạ; 87 xe tăng và thiết bị bọc thép, 28 hệ thống phóng tên lửa đa nòng và 118 phương tiện quân sự đặc biệt đã bị phá hủy. Ông Konashenkov cho biết: "Hải quân Nga đã phá hủy 8 tàu quân sự của Hải quân Ukraine".
Trong khi đó, đăng tải trên trang Facebook, Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết Ukraine đã bắn hạ một máy bay vận tải IL-76 của Nga gần thị trấn Vasylkiv ở Kiev.
Trong diễn biến khác, các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P và Fitch đã hạ bậc xếp hạng của Ukraine do tình hình căng thẳng với Nga. S&P ngày 26/2 hạ xếp hạng tín nhiệm của Ukraine từ mức B xuống B-, với triển vọng “tiêu cực”.
Cơ quan này cảnh báo nguy cơ gián đoạn các lĩnh vực chính của Ukraine như xuất khẩu nông sản cũng như mạng lưới đường ống dẫn khí đốt của nước này. Trong thông báo, S&P cho rằng quyết định của Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đặt ra thêm “rủi ro đáng kể” đối với triển vọng kinh tế của Ukraine, làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của nước này.
Trước đó, ngày 25/2, Fitch đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Ukraine từ mức B xuống CCC, cho rằng biến động sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự làm tăng rủi ro đối với tình hình tài chính công của Ukraine.
Hãng Moody's cũng cho biết có thể sẽ hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của cả Ukraine và Nga.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 26/2, Bộ Tài chính Ukraine cho biết Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cam kết ủng hộ nước này "bằng mọi cách có thể”. Trước đó, Chính phủ Ukraine đã đề nghị IMF “viện trợ khẩn cấp” ngoài chương trình viện trợ trị giá 2,2 tỉ USD hiện nay.
Tổng Giám đốc IMF, Kristalina Georgieva, trong phát biểu vào ngày 25/2 cho rằng những diễn biến tại Ukraine trong tuần qua có thể gây rủi ro kinh tế đáng kể đối với khu vực và toàn cầu. Bà Georgieva cho rằng cuộc khủng hoảng diễn ra đúng thời điểm kinh tế toàn cầu đang phục hồi sau đại dịch và đe dọa làm chậm lại quá trình này.
Trước đó trong cùng ngày, bà đã có cuộc họp với các giám đốc điều hành IMF, báo cáo về đánh giá ban đầu về tình hình tại Ukraine và khi cuộc xung đột vẫn tiếp diễn, IMF sẽ tiếp tục thảo luận với các nhà chức trách về các giải pháp hỗ trợ tối ưu nhất.
Bên cạnh việc tiếp tục tư vấn về chính sách, IMF đang cân nhắc tất cả các lựa chọn hỗ trợ tài chính bổ sung, bao gồm sự hỗ trợ theo Thỏa thuận cho vay dự phòng, một công cụ cho vay dành cho các thị trường phát triển và mới nổi, với chương trình cứu trợ trị giá 2,2 tỉ USD đang được triển khai.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)