Nga thu lợi gì từ xuất khẩu vũ khí cho Saudi Arabia giữa vòng vây trừng phạt?
Bất chấp lệnh trừng phạt và áp lực quốc tế, Nga vẫn ký thỏa thuận vũ khí trị giá hơn 2 tỷ euro với Saudi Arabia. Thương vụ không chỉ mang lại nguồn thu khổng lồ mà còn giúp Moskva củng cố ảnh hưởng địa chính trị, bất chấp những tranh cãi và nguy cơ chuyển giao công nghệ phương Tây.
Theo báo Kyiv Independent ngày 25/1, Nga vẫn tiếp tục duy trì hoạt động xuất khẩu vũ khí sang nhiều quốc gia. Một vụ rò rỉ tài liệu mới đây đã hé lộ những chi tiết gây chú ý về một thỏa thuận vũ khí bí mật giữa Nga và Saudi Arabia trị giá hơn 2 tỷ euro.
Vào tháng 4/2021, Nga và Saudi Arabia đã ký một hợp đồng mã hóa dưới tên "Dự án 82P" để cung cấp hệ thống phòng không Pantsir. Hợp đồng được giữ bí mật và bao gồm một lượng lớn trang thiết bị quân sự: 39 xe chiến đấu, 10 hệ thống chỉ huy, 9 xe chỉ huy vô tuyến, cùng hàng trăm tên lửa và hàng chục nghìn băng đạn.
Hệ thống Pantsir là một vũ khí phòng không tự hành, có khả năng bắn hạ máy bay, trực thăng, tên lửa và thiết bị bay không người lái. Tổng giá trị hợp đồng lên tới 2,17 tỷ euro, trong đó Saudi Arabia đã trả trước 326 triệu euro vào tháng 8/2021 - chỉ sáu tháng trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Các chuyên gia chỉ ra hai động cơ chính thúc đẩy Nga tiếp tục xuất khẩu vũ khí. Thứ nhất là lợi ích kinh tế. Theo Ivan Kirichevsky từ Defense Express, vũ khí xuất khẩu thường được bán với giá cao hơn so với vũ khí cung cấp cho quân đội nội địa.
Động cơ thứ hai là ảnh hưởng địa chính trị. Chuyên gia Anna Borshchevskaya tại Viện Washington nhấn mạnh: "Nga coi việc bán vũ khí như một công cụ chính trị để thiết lập và củng cố quan hệ giữa các quốc gia". Việc xuất khẩu vũ khí không chỉ đơn thuần là giao dịch thương mại mà còn là một phương thức mở rộng ảnh hưởng quốc tế.
Mặc dù chịu nhiều lệnh trừng phạt, Nga vẫn duy trì được hoạt động xuất khẩu vũ khí. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết khối lượng xuất khẩu vũ khí của Nga đã giảm 53% so với giai đoạn 2014-2018. Tuy nhiên, vẫn còn 12 quốc gia tiếp tục mua vũ khí của Nga vào năm 2023.
Thỏa thuận với Saudi Arabia còn tiềm ẩn một vấn đề quan trọng: khả năng Nga tiếp cận công nghệ quân sự phương Tây. Saudi Arabia là một khách hàng lớn của Mỹ, vận hành nhiều hệ thống vũ khí tiên tiến như Patriot. Theo các tài liệu, Nga đã yêu cầu và được đồng ý tiếp cận các cơ sở phòng không của Saudi Arabia để tích hợp hệ thống Pantsir.
Việc Saudi Arabia tiếp tục mua vũ khí từ Nga giữa lúc Nga đang tiến hành cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra nhiều tranh cãi ở phương Tây. Mặc dù vậy, xuất khẩu vũ khí vẫn là một nguồn thu quan trọng và công cụ ngoại giao của Nga, bất chấp các lệnh trừng phạt.
Thỏa thuận với Saudi Arabia minh chứng cho khả năng của Nga trong việc duy trì hoạt động xuất khẩu vũ khí quan trọng, đồng thời cho thấy sự phức tạp trong quan hệ quốc tế giữa các quốc gia trong bối cảnh xung đột hiện nay.