Nga thử nghiệm các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa A-235 Nudol
Theo thông tin từ Trung tâm Thiết kế các phương tiện chiến đấu đặc biệt thuộc Tập đoàn Almaz-Antey, quá trình thử nghiệm các thành phần cấu thành nên hệ thống phòng thủ tên lửa A-235 Nudol, đặc biệt là phương tiện vận chuyển hạng nặng và bệ phóng chứa tên lửa đánh chặn, đang được thử nghiệm.
“Một hệ thống phương tiện dã chiến đặc biệt đã được thiết kế riêng cho việc vận chuyển các thành phần của hệ thống A-235, trong đó có đạn tên lửa đánh chặn tới giếng phóng bảo quản. Cơ cấu giếng phóng dành cho A-235 đã được cải tiến với ổ đỡ thủy lực điều khiển bằng điện giúp giảm thời gian nạp tên lửa, cũng như đơn giản hóa quá trình bảo dưỡng toàn bộ hệ thống”, ông Vladimir Dolbenkov, Giám đốc Trung tâm Thiết kế các phương tiện chiến đấu đặc biệt cho biết.
Cùng với giếng phóng cố định, một bệ phóng tự hành với tên mã 14P222 cũng đang được phát triển và thử nghiệm. Cơ cấu phòng này giúp tăng khả năng cơ động, cũng như phạm vi đánh chặn của hệ thống A-235. Đây có thể coi là điểm khác biệt của A-235 so với các phiên bản phòng thủ tên lửa được thiết kế để bảo vệ Thủ đô Moscow của Nga là A-135 Amur. Nga đang phát triển và hoàn thiện các thành phần của hệ thống và đạn tên lửa đánh chặn A-235. Đạn tên lửa đánh chặn mới cho phép Nudol đánh chặn các mục tiêu ở tầng cao nhất của khí quyển Trái đất.
Hệ thống A-235 Nudol được trang bị hệ thống siêu máy tính Elbrus-3M mạnh mẽ để xử lý thông tin. Khả năng đánh chặn của A-235 sẽ được chia làm 3 cấp độ: Đạn tên lửa 51T6/51T6M sẽ đảm nhiệm việc đánh chặn ở khoảng cách 1.500km và tầm cao 800km; tên lửa 58R6 – 1.000km và 120km; đạn tên lửa 53T6M hoặc 45T6 đánh chặn mục tiêu ở khoảng cách 350km và độ cao 40-50km. Tất cả chúng đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân để nâng cao khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo liên lục địa của đối phương.
A-235 Nudol sẽ là thành phần chính trong hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp của Nga trong tương lai. Trong khi A-235 đáp ứng khả năng phòng thủ ở tầng ngoại vi khí quyển và vũ trụ, các tổ hợp S-500 Prometheus và S-400 Triumph sẽ đáp ứng khả năng phòng thủ với các mục tiêu ở giai đoạn hồi quyển và tiếp cận.
Bên cạnh việc thử nghiệm hệ thống A-235, Nga sẽ tiếp tục củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa A-135 Amur để bảo vệ Thủ đô Moscow (tên mã NATO: ABM-3 Gazelle) với đạn tên lửa đánh chặn mới 53Т6M có khả năng ngăn chặn tên lửa đạn đạo của đối phương ở độ cao 100km.