Nga thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối vắc xin ngừa COVID-19
Bộ Quốc phòng Nga ngày 10.7 thông báo Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi trùng học Gamaleya cùng bộ này đã bắt đầu giai đoạn cuối các thử nghiệm lâm sàng đối với vắc xin ngừa COVID-19.
Hai dạng vắc xin được phát triển bởi Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi trùng học Gamaleya (trụ sở tại Moscow) được thử nghiệm trên 2 nhóm tình nguyện viên, mỗi nhóm gồm 38 người. Những người tham gia sẽ được cách ly trong 2 bệnh viện ở Moscow.
Các thử nghiệm lâm sàng đối với vắc xin ngừa vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã được bắt đầu từ ngày 18.6. Chín người tham gia thử nghiệm đã được tiêm một thành phần của vắc xin, 9 người khác được tiêm thành phần thứ 2. Ngày 23.6, 20 tình nguyện viên khác đã được tiêm thử nghiệm vắc xin phiên bản tăng cường, sau đó họ sẽ được tiêm thành phần thứ 2 của vắc xin.
Nhóm đầu tiên sẽ xuất viện vào ngày 15.7 sau khi hoàn tất các phân tích kiểm tra. Nhóm tình nguyện viên thứ hai ngày 13.7 sẽ được tiêm thành phần vắc xin thứ 2 giúp tăng cường khả năng miễn dịch.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết dữ liệu thu thập được đã “chỉ ra sự hình thành ở những người tình nguyện phản ứng miễn dịch khi tiêm vắc xin ngừa SARS-CoV-2”.
Vào tháng 5, Giám đốc Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi trùng học Gamaleya, giáo sư Alexander Gintsburg đã tuyên bố ông và các nhà nghiên cứu đã tự thử vắc xin trước khi bắt đầu nghiên cứu ở người. Ông Gintsburg không cho biết có bao nhiêu người thử vắc xin nhưng nói với hãng tin Interfax rằng không ai gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào.
Trả lời phỏng vấn của RIA Novosti, Gintsburg khẳng định rằng ông và những người khác không có ý định thử nghiệm vắc xin mà chỉ tìm cách bảo vệ bản thân khỏi coronavirus bằng vắc xin.
Những bình luận của ông Gintsburg khi đó đã làm dấy lên sự chỉ trích trong cộng đồng y tế Nga. Hiệp hội các tổ chức nghiên cứu lâm sàng của Nga đã lên án hành động của các nhà nghiên cứu là vi phạm nền tảng nghiên cứu lâm sàng, luật pháp Nga và các quy định quốc tế được công nhận rộng rãi.
Theo truyền thông Nga, ít nhất 7 cơ sở nghiên cứu ở nước này hiện đang nghiên cứu vắc xin ngừa vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Long Hải (theo AP)