Số lượng tàu ngầm hạt nhân Nga hoạt động ở Đại Tây Dương ngày càng nhiều hơn là tín hiệu rõ ràng để NATO tiếp tục cảnh giác. Nhiều nhà phân tích suy đoán Moskva đã triển khai tới 11 tàu ngầm hạt nhân hoạt động ở khu vực này.
Tuy nhiên một số chuyên gia giải thích sự gia tăng này theo cách khác, khi cho rằng cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine đóng vai trò then chốt trong các quyết định chiến lược của Nga.
Ủng hộ quan điểm trên, một số quan chức cấp cao của NATO và Mỹ, trong đó có Tướng Chris Cavoli - người giám sát các hoạt động ở châu Âu đã chia sẻ ý kiến về việc Hải quân Nga tăng cường hoạt động dưới nước.
Tướng Cavoli chia sẻ: “Các hoạt động của Quân đội Nga đã có sự gia tăng bất thường trong những năm gần đây, cuộc giao tranh diễn ra ở Đông Âu đã thúc đẩy Moskva mở rộng chiến lược hàng hải của mình".
“Tất cả điều này bắt nguồn từ tình hình chiến sự tại Ukraine. Quả thực, những cuộc diễn tập thông qua tàu ngầm hạt nhân đánh dấu sự leo thang chưa từng có kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột”.
Trong cảnh báo rõ ràng nhất liên quan đến mối nguy cơ tiềm tàng, phân tích của Tướng Cavoli gióng lên hồi chuông cảnh báo cho Mỹ và các đồng minh phương Tây ủng hộ Ukraine.
Vài tháng trước, một làn sóng lo ngại đã quét qua phương Tây khi Tổng thống Putin phái tàu chiến mặt nước tới Đại Tây Dương. Một số lượng đáng kể chúng được trang bị tên lửa hành trình siêu thanh, có khả năng vượt qua hệ thống phòng không của Mỹ.
Giờ đây truyền thông Mỹ dẫn lời các quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ bày tỏ “lo lắng” trước sự gia tăng hiện diện của các tàu ngầm hạt nhân Nga ở vùng biển ven bờ nước này. Họ lưu ý những lần xuất hiện như vậy gần đây ngày càng nhiều hơn.
Các suy đoán cho thấy số lượng tàu ngầm hạt nhân của Nga ở Đại Tây Dương hiện đã vượt quá số lượng thời kỳ đầu Liên Xô, tái tạo mật độ thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên con số chính xác vẫn chưa được làm rõ.
"Chúng tôi biết rằng sự hiện diện đáng kể của tàu ngầm hạt nhân Nga gây ra những lo ngại an ninh đáng kể đối với nước Mỹ".
Mối quan ngại này được xác nhận bởi phát biểu trên của Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng hải Nga (RMSI) - ông Michael Peterson. Ngoài ra Tướng Cavoli cảnh báo, NATO vẫn đặc biệt cần phải cảnh giác trước mối đe dọa ngày càng lớn từ Nga.
Thêm vào sự phức tạp, Nga có vẻ không đơn độc, các nguồn tin từ phương Tây cho rằng trong cuộc xung đột ở Đông Âu, Moskva nhận được sự tiếp viện quân sự từ hai quốc gia quan trọng - Iran và Triều Tiên.
Giới chuyên gia quốc phòng cho biết Iran đang hỗ trợ Nga thông qua máy bay không người lái Shahed-136 hàng đầu của mình, trong khi Triều Tiên cung cấp tên lửa Hwasong-18 đáng gờm hơn nhiều.
Ông Michael Peterson - một nhân vật nổi tiếng vì hiểu biết sâu rộng về năng lực Hải quân Nga, đã nêu bật nhiều chỉ số cho thấy xu hướng ngày càng tăng của Moskva trong việc triển khai các tàu ngầm hạt nhân dọc theo bờ biển nước Mỹ.
Từ vùng nước trong xanh của Địa Trung Hải đến các bờ biển đầy sức sống của châu Âu, sự hiện diện và hoạt động âm thầm của các tàu ngầm thông thường cũng như hạt nhân của Nga là một thực tế rất hữu hình.
Chuyên gia Peterson nhận thấy sự giống nhau kỳ lạ giữa chiến thuật này và những điều từng được Liên Xô sử dụng vào thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh.
Trong những năm gần đây, Moskva đã có bước tiến rất dài trong việc phát triển nhiều loại tàu ngầm hạt nhân, được thiết kế đặc biệt để xâm nhập vào địa điểm chiến lược nằm rải rác trên khắp Mỹ và Châu Âu.
Nga sở hữu hạm đội ấn tượng gồm 58 tàu ngầm hạt nhân thuộc nhiều lớp, dường như không có điểm nóng toàn cầu nào - kể cả các vùng biển dọc bờ biển Mỹ - đủ sức ngăn cản tầm với của chúng, đây là điều mà NATO cần phải xác định phương án đối phó trong thời gian tới.