Nga thực hiện sứ mệnh Mặt trăng đầu tiên sau gần 50 năm
Theo Reuters, Nga đã phóng thành công tàu vũ trụ Luna-25 lên không gian, bắt đầu sứ mệnh Mặt trăng sau gần 50 năm vào hôm nay (11-8), nhằm tạo động lực mới cho lĩnh vực vũ trụ của nước này.
Việc phóng tàu vũ trụ Luna-25 là sứ mệnh Mặt trăng đầu tiên của Mátxcơva kể từ năm 1976 khi Liên Xô đi tiên phong trong lĩnh vực chinh phục không gian. Tên lửa đẩy Soyuz-2.1b cùng tàu vũ trụ Luna-25 cất cánh lúc 2h10 (giờ Mátxcơva) từ sân bay vũ trụ Vostochny, theo hình ảnh trực tiếp do cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) phát đi.
Tàu vũ trụ sẽ đến quỹ đạo Mặt trăng trong 5 ngày nữa. Sau đó, Luna-25 sẽ dành từ ba đến bảy ngày để chọn đúng địa điểm trước khi hạ cánh xuống khu vực cực Nam của Mặt trăng.
"Lần đầu tiên trong lịch sử, cuộc đổ bộ lên Mặt trăng sẽ diễn ra ở cực Nam của Mặt trăng. Cho đến nay, mọi người đều hạ cánh ở vùng xích đạo", quan chức cấp cao của Roscosmos Alexander Blokhin cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Roscosmos hy vọng tàu vũ trụ sẽ hạ cánh trên Mặt trăng vào khoảng ngày 21-8 và sẽ ở trên Mặt trăng trong một năm, với nhiệm vụ "lấy (mẫu) và phân tích đất" cũng như "tiến hành nghiên cứu khoa học dài hạn".
Theo chuyên gia vũ trụ người Nga Vitali Iegorov, sứ mệnh này là lần đầu tiên nước Nga thời hậu Xô viết cố gắng đặt một thiết bị lên một thiên thể. Tổng thống Vladimir Putin đã cam kết tiếp tục chương trình không gian của Nga bất chấp các lệnh trừng phạt, cho rằng Liên Xô là quốc gia đưa người đầu tiên vào vũ trụ vào năm 1961, vào thời điểm căng thẳng Đông - Tây leo thang.