Nga tiết lộ thời điểm tàu thăm dò hạ cánh xuống vùng cực Mặt Trăng
Tàu thăm dò tự động Luna-25 của Nga dự kiến hạ cánh mềm xuống vùng cực Nam của Mặt Trăng vào ngày 21/8 tới.
Theo đài Sputnik, Yuri Borisov - Giám đốc Tập đoàn Vũ trụ Nhà nước Nga Roscosmos - ngày 11/8 thông báo: “Chúng ta sẽ đợi đến ngày 21/8. Tôi hy vọng một cuộc hạ cánh mềm chính xác lên Mặt Trăng sẽ thành công. Đây là một trang mới trong cuộc thám hiểm Mặt Trăng thực tế. Chúng tôi sẽ thực hiện công việc này cùng với các đối tác Trung Quốc. Đây là bước khởi đầu của giai đoạn đầu tiên trong chương trình Mặt Trăng dài hạn”.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, một tên lửa Soyuz 2.1b mang theo tàu thăm dò Luna-25 cất cánh từ Sân bay vũ trụ Vostochny ở Viễn Đông nước Nga, đánh dấu sứ mệnh Mặt Trăng đầu tiên được triển khai sau 47 năm.
Roscosmos cho biết tàu thăm dò dự kiến đi vào quỹ đạo Mặt Trăng ở độ cao 100 km vào ngày 16/8 và hạ cánh nhẹ xuống vùng cực của Mặt Trăng ở khu vực phía Bắc miệng núi lửa Boguslawsky vào ngày 21/8. Theo ông Borisov, các phiên bản tiếp theo của tàu thăm dò Luna của Nga dự kiến được phóng vào năm 2027, 2028 và 2030.
Giám đốc Roscosmos nói thêm Nga và Trung Quốc sẽ tiến tới khả năng thực hiện sứ mệnh có người lái trên Mặt Trăng và xây dựng một căn cứ trên Mặt Trăng sau khi phóng thành công Luna-28 vào năm 2030.
Ông Borisov nói thêm các kết quả mà tàu Luna đạt được sẽ là bệ phóng cho việc khám phá không gian sâu thẳm và các hành tinh xa hơn trong thời gian dài.
Sau khi hạ cánh, Luna -25 sẽ thu thập các mẫu đất Mặt Trăng và kiểm tra chúng xem có băng không. Các mục tiêu chính của nhiệm vụ cũng sẽ bao gồm việc thử nghiệm các thiết kế thiết bị không gian mới nhất của Nga.
Luna-25 là một phần của chương trình Mặt Trăng của Nga nhằm thăm dò, sử dụng Mặt Trăng và quỹ đạo để thiết lập một căn cứ tự động.
Tàu thăm dò trước đây của Nga, Luna-24, được phóng vào không gian năm 1976. Sự kiện này đã đi vào lịch sử khám phá vũ trụ thế giới khi mẫu vật lấy từ Mặt Trăng thời điểm đó đã chứng minh sự hiện diện của nước trên vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất này.