Nga tố Mỹ cản trở đàm phán hòa bình với Ukraine
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 15-6 khẳng định Ukraine ngưng đàm phán hòa bình với Nga theo yêu cầu của Mỹ.
Theo hãng tin TASS, bình luận trên được bà Zakharova đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg. Bà Zakharova còn được cho là khẳng định rằng Ukraine trước đó đã bắt đầu vòng đàm phán mới và Nga đã đồng ý tham gia.
Tuy nhiên, theo bà Zakharova, giới chức Ukraine khi đó bắt đầu đưa ra những điều kiện mới mà họ khẳng định là cần thiết để xúc tiến đàm phán. Những điều kiện mới được đưa ra cho đến khi đàm phán bị hủy.
Bà Zakharova tuyên bố (nhưng không đưa ra chứng cứ) rằng Moscow biết Washington đóng một vai trò trong việc đẩy đàm phán vào bế tắc.
"Các cuộc đàm phán này bị đóng băng, tạm ngừng và đổ vỡ. Hãy để Ukraine tự trình bày về việc họ đã làm gì với những cuộc đàm phán này. Chúng tôi biết rất rõ vì chúng tôi nắm thông tin rằng có chỉ đạo đến từ Mỹ" – phát ngôn viên Zakharova khẳng định, theo TASS.
Bà Zakharova còn nói về điều bà khẳng định là những lời than phiền của giới chức Kiev nhằm trì hoãn đàm phán.
"Chúng tôi đã nghe rất nhiều lý do: Địa điểm không phù hợp, thành phần tham dự đàm phán không phù hợp, nước chủ trì đàm phán phải là nước khác…" – bà Zakharova khẳng định.
Trước đó, vào ngày 23-5, hãng tin RIA Novosti cho biết Bộ Ngoại giao Nga sẵn sàng nối lại đàm phán với Ukraine nếu Kiev thể hiện được điều Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko gọi là "lập trường mang tính xây dựng".
Bình luận của Thứ trưởng Rudenko được đưa ra sau khi cố vấn tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, khẳng định với Reuters rằng Kiev sẽ không chấp nhận bất cứ thỏa thuận hòa bình nào với Moscow nếu thỏa thuận buộc họ công nhận quyền kiểm soát của Nga tại bất kỳ lãnh thổ nào do Moscow kiểm soát kể từ ngày 24-2.
Trong khi đó, theo Reuters, lãnh đạo các nước Đức, Pháp và Ý dự kiến đến Kiev vào ngày 16-6 (giờ địa phương) nhằm thể hiện sự ủng hộ của họ dành cho Ukraine.
Chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ý Mario Draghi diễn ra trong bối cảnh 3 nhà lãnh đạo bị Ukraine chỉ trích về phản ứng của họ với xung đột Nga-Ukraine.
Kiev từng khẳng định Pháp, Đức và Ý chậm chạp trong khâu bàn giao vũ khí viện trợ và đặt lợi ích kinh tế của họ lên trên an ninh và tự do của Ukraine.
Về phần mình, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 15-6 nhấn mạnh trong cuộc họp với khoảng 50 nước thành viên và đối tác rằng họ cần khẩn trương tăng tốc bàn giao vũ khí cho Ukraine.
Ông Stoltenberg còn nói thêm rằng các lực lượng Ukraine sẽ cần thời gian để thích ứng với những hệ thống vũ khí hạng nặng tiên tiến.
Phương Tây thời gian qua liên tục viện trợ vũ khí để hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Tuy nhiên, Kiev than phiền rằng họ chỉ nhận được một phần nhỏ so với lượng vũ khí cần thiết và rằng họ cần được viện trợ những hệ thống vũ khí uy lực hơn.
Cũng trong ngày 15-6, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand thông báo quốc gia của bà sẽ bàn giao cho Ukraine 10 nòng thay thế để đảm bảo hoạt động của pháo M777 được duy trì xuyên suốt.
Có giá khoảng 9 triệu USD, lượng nòng thay thế nêu trên sẽ được sử dụng với hệ thống vũ khí chống tăng Carl Gustaf từ kho vũ khí của Lực lượng Vũ trang Canada, cũng như hơn 20.000 viên đạn được Canada nhập từ Mỹ để hỗ trợ Ukraine.