Nga tố Ukraine giấu vũ khí ở nhà máy hạt nhân, nghị sĩ Mỹ nêu cách gửi xe tăng cho Kiev
Cơ quan tình báo nước ngoài của Nga (SVR) cáo buộc Ukraine đang cất giữ vũ khí do phương Tây viện trợ, tại các nhà máy điện hạt nhân trên khắp đất nước.
Hãng thông tấn Tass của Nga trích dẫn tuyên bố ngày 23/1 của SVR nêu rõ, các lực lượng vũ trang Ukraine đã đưa các bệ phóng đa tên lửa (HIMARS), hệ thống phòng không và đạn pháo tới nhà máy điện hạt nhân Rivne ở tây bắc nước này. Theo tình báo Nga, động thái diễn ra vào tuần cuối cùng của tháng 12/2022.
SVR không cung cấp bằng chứng cho cáo buộc của họ. Hãng tin Reuters cho biết không thể xác minh thông tin này một cách độc lập.
Nhiều nhà máy điện hạt nhân của Ukraine đã trở thành tâm điểm chú ý kể từ khi cuộc xung đột bùng phát hồi cuối tháng 2/2022. Các lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu của Ukraine kể từ đầu chiến sự.
Cả Kiev và Moscow đều cáo buộc nhau nã pháo vào Zaporizhzhia, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về nguy cơ rò rỉ hạt nhân. Giới chức Ukraine cũng tố cáo quân Nga sử dụng địa điểm này làm kho chứa vũ khí, bất chấp sự bác bỏ của Moscow.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ gợi ý giải pháp để viện trợ xe tăng cho Ukraine
Trả lời phỏng vấn kênh ABC ngày 22/1, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Michael McCaul cho hay, hiện có khoảng 10 quốc gia sở hữu xe tăng Leopard nhưng họ cần phải có sự đồng ý của Đức để chuyển giao khí tài này cho Ukraine.
Theo ông McCaul, do Đức đang trì hoãn hành động vì muốn chờ Mỹ đi đầu viện trợ, nên để tháo gỡ nút thắt, Washington chỉ cần cung cấp cho Ukraine một xe tăng M1 Abrams. Chính khách này cũng tin, phương Tây cần gửi pháo tầm xa cho quốc gia Đông Âu để đẩy lùi các đợt tấn công trong tương lai của Nga.
Đài RT đưa tin, ông McCaul là một trong những nghị sĩ tích cực thúc đẩy Quốc hội Mỹ tiếp tục viện trợ khí tài cho Kiev.
Ngoại trưởng Nga công du Nam Phi
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đến Nam Phi và có cuộc gặp với người đồng cấp Naledi Pandor.
Theo Reuters, một số đảng đối lập và cộng đồng người Ukraine ở Nam Phi đã lên án chuyến công du của ông Lavrov. Một số người thậm chí tiến hành biểu tình phản đối ở bên ngoài trụ sở Bộ Ngoại giao Nam Phi khi cuộc gặp diễn ra.
Chính phủ của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa giữ quan điểm trung lập trong cuộc xung đột Nga – Ukraine và đã đề xuất mong muốn làm trung gian hòa giải giữa hai nước.