Nga tránh bẫy nguy hiểm tại Kursk, gửi cảnh báo sắc lạnh đến Ukraine
Hàng loạt cuộc không kích mà Nga tiến hành trong hai ngày qua nhằm vào lãnh thổ Ukraine, cùng với hàng trăm máy bay không người lái và tên lửa, đã cho thấy sức mạnh quân sự bền bỉ của Moscow. Đây cũng có thể coi là lời cảnh báo sắc lạnh Nga muốn gửi tới Ukraine sau chiến dịch xâm nhập Kursk.
Với hỏa lực lớn và kho dự trữ vũ khí dồi dào như vậy, đến thời điểm hiện tại, Nga vẫn chưa thể đẩy lùi cuộc tấn công của Ukraine tại khu vực Kursk, phía Tây nước này. Trong bài phát biểu ngày 28/8, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, lực lượng Ukraine đã chiếm thêm nhiều khu vực ở biên giới Nga trong cuộc đột kích lớn vào Kursk. Trước đó hôm 27/8, quân đội Nga đã phải đối mặt với các nỗ lực của Ukraine nhằm đột nhập vào khu vực Belgorod lân cận.
Các quan chức phương Tây và các chuyên gia quân sự cho rằng, lý do khiến Nga chưa đẩy lùi cuộc xâm nhập lớn nhất vào lãnh thổ nước này kể từ Thế chiến II không chỉ xuất phát từ vấn đề thiếu nhân sự và thiếu thông tin tình báo chiến trường, mà còn do các vấn đề ưu tiên của Tổng thống Putin.
Tướng Onno Eichelsheim, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Hà Lan cho rằng: “Ưu tiên của Tổng thống Putin hiện giờ có lẽ là Donbass. So với Donbass, khu vực Kursk ít có tầm quan trọng về chiến lược hơn”.
Dù bị bất ngờ bởi cuộc tấn công của Ukraine vào tình Kursk, Nga vẫn quyết tâm chiếm giữ thành phố Pokrovsk – đóng vai trò là trung tâm hậu cần quan trọng tại phía đông Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga chưa muốn rút quân ra khỏi mặt trận này. Đại tá quân đội Áo Markus Reisner cho rằng: “Mục đích cuộc tấn công mùa hè của Nga ít nhất là chiếm được Pokrovsk”
Các quan chức phương Tây cho biết, suốt 3 tuần, kể từ khi Ukraine đột kích tỉnh Kursk, Nga đã giành được những bước tiến chậm nhưng chắc chắn và ổn định gần Pokrovsk. “Không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy động lực chiến đấu của Nga suy yếu. Họ vẫn tiếp tục tiến về phía Pokrovsk” ông Markus Reisner lưu ý.
Nga tránh bẫy tại Kursk
Trong khi đó, Moscow đã bắt đầu có phản ứng dữ dội và quyết liệt hơn tại Kursk, với việc điều động hàng nghìn binh sỹ tới đây, đồng thời đe dọa sẽ trả đũa mạnh tay đối với Ukraine.
Người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ Christopher G. Cavoli cảnh báo: “Cuộc đột kích bất ngờ của Ukraine ban đầu có thể khiến Nga bị sốc. Nhưng điều này sẽ không kéo dài mãi mãi. Họ sẽ sớm tập hợp lại và đưa ra biện pháp đáp trả tương ứng”.
Theo các chuyên gia quân sự, ban đầu lực lượng Nga tại Kursk không có đủ quân số cũng như vũ khí để phòng thủ nhanh chóng khi quân đội Ukraine tấn công dữ dội qua biên giới vào ngày 6/8. Điều này đã cho phép Ukraine mở rộng đầu cầu đổ bộ. Tướng Oleksandr Syrskyi – Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, đến thời điểm hiện tại, Ukraine đã kiểm soát khoảng 100 khu định cư ở Kursk.
Tuy vậy, có vẻ như Nga đang lên kế hoạch cho một cuộc đối đầu lâu dài với Ukraine ở khu vực biên giới, báo cáo của Công ty tình báo quốc phòng Janes lưu ý. Báo cáo nhận định, phản ứng của Moscow “dù chậm nhưng có phương pháp và toàn diện”. Nga đã triển khai trực thăng tấn công đến Kursk, đồng thời tăng cường các cuộc tấn công bằng pháo binh vào quân đội Ukraine.
Ngày 27/8, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã bắn hạ 400 binh sỹ và phá hủy 30 thiết bị quân sự của Nga tại khu vực Kursk. Phía Ukraine chưa lên tiếng về thông tin này, nhưng Tướng Syrskyi thừa nhận, đến thời điểm hiện tại, Nga đã triển khai 30.000 binh sỹ đến khu vực này và đang điều thêm quân mỗi ngày.
Nga đã triển khai hầu hết các đơn vị dự bị và quân đội từ các khu vực ở phía nam và đông bắc Ukraine tới Kursk. Những đơn vị này vốn không nằm trong chiến dịch chính của Moscow hướng tới Pokrovsk. Các quan chức Mỹ đánh giá rằng, để đẩy lùi lực lượng Ukraine ra khỏi Kursk, Nga cần ít nhất 50.000 binh sỹ.
Nhưng Đại tá Reisner cho rằng, lực lượng tăng viện của Nga đã "làm chậm đáng kể" đà tiến của Ukraine trong khu vực. Có vẻ như Moscow tính toán rằng việc chuyển hướng đủ nguồn lực để đẩy lùi hoàn toàn chiến dịch xâm nhập của Ukraine tại khu vực có ít tầm quan trọng về mặt chiến thuật sẽ không phải là cách sử dụng tốt nhất sức mạnh quân sự của họ, đặc biệt là khi chiến dịch này buộc Ukraine phải hao tổn đáng kể nguồn lực để giữ vững lãnh thổ mà họ chiếm được.
“Nếu Nga dồn tất cả lực lượng vào Kursk thì họ sẽ trúng bẫy của Ukraine”, ông Sokov nhận định.
Cảnh báo sắc lạnh của Nga
Với các cuộc pháo kích dữ dội vào Ukraine trong tuần này, Nga chứng minh rằng họ có đủ máy bay không người lái và tên lửa tấn công để gây thiệt hại nghiêm trọng cho Ukraine trên chính lãnh thổ Nga, một khi nắm được thông tin tình báo rõ ràng về vị trí của đối phương.
Nhưng ông Sokov lưu ý, Nga có thể đang xem xét tình hình để tránh gây tổn hại cho người dân nước này khi thực hiện phản ứng mạnh mẽ tại Kursk. “Họ có thể muốn chọn lọc mục tiêu kỹ càng hơn”, ông Sokov nhận định.
Chưa kể, đang có nhiều lo ngại về nguy cơ cháy nổ nhà máy điện hạt nhân Kursk, cách nơi giao tranh khoảng 40km. Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi cho biết: “Các hoạt động tại nhà máy vẫn đang diễn ra dù nhà máy không có mái vòm bảo vệ, do đó nó rất dễ bị tấn công”. Nếu lò phản ứng hạt nhân bị tấn công, "hậu quả có thể cực kỳ nghiêm trọng", ông Grossi cảnh báo.
Một số blogger quân sự của Nga đã kêu gọi Điện Kremlin không điều động lực lượng tiếp viện lớn đến Kursk vì điều này có thể khiến Nga dễ bị yếu thế ở những nơi khác. Ngoài ra, cũng không loại trừ trường hợp Ukraine muốn giữ lại một số nguồn lực để tiến hành cuộc tấn công bất ngờ thứ hai.
Theo giới phân tích, các cuộc không kích của Nga đổ xuống khắp Ukraine trong tuần này có thể nhằm mục đích cảnh báo Kiev. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Những hành động thù địch như vậy không thể tiếp diễn mà không có phản ứng phù hợp. Chắc chắn sẽ có phản ứng thích đáng", song ông không nêu rõ phản ứng đó là gì.