Nga-Trung dùng dầu đánh bật ảnh hưởng của Mỹ ở Iraq

Với quan điểm kinh tế quyết định chính trị, Nga-Trung Quốc đã sử dụng đòn bẩy dầu mỏ ở Khu tự trị người Kurd để đánh bật ảnh hưởng của Mỹ ở Iraq.

Điều quan trọng đối với kế hoạch của Iraq nhằm tăng sản lượng dầu lên khoảng 7 triệu thùng/ngày vào năm 2027 là sự hợp tác về công nghệ thăm dò và khai thác với các đối tác nước ngoài và trong đó, Nga và Trung Quốc đang là những nước đang thống trị trong lĩnh vực này.

Theo “OilPrice”, hạt nhân trong kế hoạch tăng sản lượng dầu là các mỏ dầu “siêu khổng lồ” Rumaila và West Qurna-2, hiện đang hợp tác khai thác với các đối tác Nga và Trung Quốc.

Theo chuyên gia năng lượng Simon Watkins, người có nhiều nghiên cứu được công bố bởi “OilPrice”, trong hai tuần qua, công ty dầu khí nhà nước Nga Lukoil đã đồng ý tăng mạnh sản lượng tại mỏ dầu Tây Qurna-2 (West Qurna-2).

Cùng thời gian đó, Công ty Kỹ thuật khoan Daqing, một công ty con của công ty dầu khí quốc doanh Trung Quốc là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), đã được trao hợp đồng kỹ thuật, mua sắm và xây dựng cho mỏ Rumaila, với trị giá lên tới 192 triệu USD.

Theo chuyên gia này, thông qua một số lượng lớn các thỏa thuận vừa và nhỏ, Nga và Trung Quốc đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng của mình trong lĩnh vực sản xuất và thăm dò dầu mỏ quan trọng ở Iraq, lĩnh vực sẽ giúp họ xóa bỏ ảnh hưởng của Mỹ ở Iraq và Trung Đông.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia Simon Watkins cho biết, Moscow đang hành động thẳng thắn hơn, trong khi Bắc Kinh đang sử dụng chiến lược mới.

Các hợp đồng thăm dò và phát triển của Iraq với Trung Quốc được đàm phán thông qua các kế hoạch với các công ty ít nổi tiếng hơn so với các công ty nhà nước lớn. Chính điều này đã ít thu hút sự quan tâm hoặc không để lại sự chú ý của thị trường.

Bài viết của ông Simon Watkins trên OilPrice nhận định, Nga và Trung Quốc đang cho rằng, diễn biến trong khu vực thực sự đang diễn ra rất tốt và theo đúng dự tính của họ, khi Trung Đông gần như đã mất hoàn toàn ảnh hưởng của Mỹ.

Theo chuyên gia này, hai đối thủ của Washington đã bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình và đã thành công, sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA, thường gọi là “Thỏa thuận hạt nhân Iran”), cởi trói cho Nga và Trung Quốc.

Sự phân chia nhiệm vụ lâu dài giữa Trung Quốc và Liên bang Nga được thể hiện rõ nét ở giai đoạn hiện tại khi hai nước này đã “chiếm giữ hoàn toàn” lĩnh vực dầu khí và tài sản công nghiệp của Iraq.

Các công ty dầu khí nổi tiếng của Nga hiện diện trong các hợp đồng thăm dò và phát triển lớn trên khắp đất nước, bao gồm cả khu vực bán tự trị của người Kurd Iraq.

Vùng lãnh thổ này chính là một đòn bẩy ảnh hưởng, một bàn đạp để Moscow tạo ra các vấn đề cho phương Tây và chính Iraq, mà việc Lukoil tăng gấp đôi sản lượng dầu ở khu mỏ Tây Qurna-2 (West Qurna-2) là một ví dụ điển hình của cách tiếp cận này.

Ngược lại, Trung Quốc vẫn bằng lòng với thế trận bình tĩnh và chủ động mà họ đã thực hiện trong suốt thời gian dài qua, cố gắng không kích động đối đầu trực tiếp với Mỹ và các đồng minh, mặc dù hành động của Bắc Kinh ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các nước phương Tây.

Hoàng Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nga-trung-dung-dau-danh-bat-anh-huong-cua-my-o-iraq-post651829.html