Nga, trừng phạt và mâu thuẫn giữa hai bờ Đại Tây Dương

Châu Âu chìm trong khủng hoảng năng lượng. Các công ty châu Âu đang dần chuyển hướng sang Mỹ. Người Mỹ thì lợi dụng điều này để bán khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu với giá cao.

Không còn lựa chọn nào khác, châu Âu đang bắt đầu xây dựng các bến cảng lớn để tiếp nhận hàng từ Mỹ. Thế nhưng, sau đó, Mỹ tuyên bố đình chỉ các dự án LNG và sẽ không cung cấp cho châu Âu trong những năm tới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26/1 công bố lệnh tạm dừng xây dựng các kho cảng xuất khẩu LNG mới. Theo dữ liệu do tổ chức quốc tế Cedigaz công bố, trong năm 2023, Mỹ là nước xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới. Theo Nhà Trắng, khoảng một nửa lượng xuất khẩu LNG vào năm 2023 được xuất khẩu sang châu Âu, do lục địa này đã chấm dứt việc nhập khẩu khí đốt của Nga kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine.

Một cảng xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng ở Mỹ.

Một cảng xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng ở Mỹ.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết trong một cuộc hội nghị gần đây: “Khi xuất khẩu tăng lên, chúng tôi phải xem xét các nhu cầu này dựa trên các phân tích an ninh quốc gia, môi trường và kinh tế”. Do đó, sẽ không có giấy phép xuất khẩu mới nào được cấp trước khi Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) cập nhật phân tích về từng dự án, đồng thời, bà Granholm cũng đảm bảo rằng các dự án đã được thông qua sẽ tăng công suất xuất khẩu của Mỹ lên 1,35 tỷ mét khối mỗi ngày, so với khoảng 328 triệu mét khối mỗi ngày vào cuối năm 2023, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ.

Lý do được chính quyền Mỹ đưa ra là nhằm “thỏa mãn” yêu sách của các nhà hoạt động môi trường. Kể từ khi nhu cầu tăng vọt, các nhà khoa học, nhà bảo vệ môi trường cũng như các quan chức dân cử ở địa phương đã cảnh báo về hậu quả đối với môi trường khi tăng tốc các dự án kho cảng LNG, cả về sức khỏe cộng đồng của người dân Mỹ lẫn vấn đề phát thải khí nhà kính.

Đầu tháng 12/2023, bên lề hội nghị khí hậu COP28 tổ chức tại Dubai, hơn 250 tổ chức và nhóm môi trường đã yêu cầu ông Joe Biden không tiếp tục cấp phép xây dựng các trạm xuất khẩu LNG mới. Tại Mỹ, 79% sản lượng đến từ khí đá phiến, theo cơ quan quản lý năng lượng. Quá trình khai thác loại khí này với phương pháp bẻ gãy thủy lực được coi là thủ phạm chính gây ra nhiều thiệt hại đối với môi trường. Nếu khí đốt là năng lượng hóa thạch thải ra ít CO2 hơn dầu và than thì việc khai thác và vận chuyển khí đốt có nguy cơ phát thải khí mê-tan, một loại khí có sức nóng gấp 10 lần CO2.

Hãng tin Bloomberg bình luận, sự phụ thuộc ngày càng tăng của châu Âu vào LNG của Mỹ đang “ngày càng rủi ro hơn” trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden quyết định ngừng cấp giấy phép xuất khẩu mới cho loại nhiên liệu này phục vụ cho mục đích tranh cử. Hãng thông tấn Mỹ cảnh báo rằng, mặc dù Mỹ vẫn là “đồng minh lớn trong G7 của EU với sức mạnh kinh tế vượt trội và sự ổn định chính trị tương đối, nhưng việc phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ, ngay cả một quốc gia thân thiện cũng mang lại rủi ro”.

Bloomberg cũng dẫn lời Ira Joseph, một cộng tác viên nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu tại Đại học Columbia, nói rằng sự phụ thuộc của châu Âu vào LNG của Mỹ sẽ tiếp tục tăng nếu “khí đốt của Nga không xuất hiện trở lại và người Qatar quyết định không tham gia vào cuộc chiến giá cả để giành thị phần”. “Phần thưởng dành cho châu Âu là sự đa dạng của các nhà cung cấp Mỹ. Rủi ro là một sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ trong tương lai”, Joseph ám chỉ khả năng thất bại của Tổng thống Biden trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới.

Năm ngoái, Ditte Juul Jorgensen, Tổng Giám đốc năng lượng của Ủy ban châu Âu, nói rằng ý định tự làm hại mình của EU nhằm đa dạng hóa nguồn khí đốt tự nhiên của Nga có nghĩa là EU sẽ buộc phải phụ thuộc vào LNG của Mỹ trong nhiều thập kỷ tới.

Sau sự gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt của Nga vào năm 2022 do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga liên quan đến hoạt động quân sự đặc biệt của nước này, châu Âu đã phải vật lộn với hóa đơn năng lượng đắt đỏ và lạm phát tăng. Cụ thể, Đức đã nhập khẩu khí đốt ít hơn 2,5 lần trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/2023 so với cùng kỳ năm 2021, nhưng không tiết kiệm được gì vì giá cũng tăng 2,5 lần, theo tính toán của Sputnik dựa trên dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Đức.

Cũng trong năm ngoái, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov nói với Sputnik rằng xuất khẩu LNG của Nga đã tăng vài phần trăm kể từ đầu năm 2023. “Có nhiều khách hàng mua LNG của Nga trên khắp thế giới. Và, đây không chỉ là những đối tác mới của chúng tôi ở Đông Nam Á mà còn là người tiêu dùng châu Âu”, Shulginov nhấn mạnh.

Trước lệnh cấm của Tổng thống Biden, nhà phân tích Ademiju Allen của Công ty Rystad Energy ước tính rằng với tốc độ hiện tại, thị phần toàn cầu của Mỹ có thể tăng từ 21% vào năm 2023 lên 30% vào năm 2030. Nhà nghiên cứu Simone Tagliapietra tại Viện Bruegel Brussels nhận xét: Thời gian tạm hoãn kéo dài sẽ mang lại lợi ích cho các nhà cung cấp LNG khác như Qatar. Theo Rystad, "Mexico, Canada, Mozambique và có thể bao gồm cả Nga có thể sẽ tăng thị phần của họ vượt qua mong đợi". Được các doanh nghiệp trong ngành gọi là năng lượng "chuyển tiếp", ít độc hại hơn than đá và dầu mỏ, khí đốt vẫn còn gây tranh cãi do vấn đề rò rỉ khí metan, một loại khí nhà kính mạnh gây ra hiện tượng nóng khí hậu. Theo Rystad, quyết định hạn chế khí đốt có thể làm chậm tốc độ chuyển đổi, nhưng lại kích thích sử dụng than nhiều hơn.

Không chỉ với khách hàng châu Á, nhà sản xuất điện hàng đầu của Nhật Bản JERA lo ngại việc đình chỉ tạm thời giấy phép xuất khẩu LNG của Mỹ sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh năng lượng Nhật và thậm chí cả thế giới nếu vấn đề này vẫn tiếp diễn, Reuters đưa tin. JERA là một trong những khách hàng mua LNG lớn nhất thế giới và Nhật Bản là khách hàng lớn thứ hai về loại nhiên liệu này sau Trung Quốc.

Duy Hưng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/nga-trung-phat-va-mau-thuan-giua-hai-bo-dai-tay-duong-i722244/