Ngã tư phố xá

Từ thuở khai sinh trời đất, con người chẳng có phố, chẳng có quê, và cũng chẳng có những con đường. Nhưng hành trình của con người chắc chắn là đi ra từ hang động, đi từ dân dã, quê kiểng đến phố xá lao xao, đi từ không có gì, đi kiếm tìm mỏi mệt những bình minh hư ảo.

Một ngã tư ở TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Một ngã tư ở TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Con người luôn luôn khao khát tự do, khao khát sự yên ổn nhưng lại không chịu đựng nổi sự cô đơn, khao khát nơi vắng vẻ nhưng lại sợ hãi không gian hoang dã quá độ. Ngã tư phố xá là một nơi đáp ứng được cái đa mang của con người, vừa là nơi gặp gỡ, lại vừa là nơi phân mảnh tâm trạng của con người.

Tôi luôn có cảm giác được tự do mỗi khi chạy xe trên đường phố, hay ngồi ở một quán cà phê nào đó nơi ngã tư phố xá, để thấy được nhiều người, và để được riêng tư trong một vài giây phút. Nếu rượu là thức uống để lãng quên, thì cà phê là thứ để hồi tưởng. Tôi có cảm giác như việc uống cà phê chỉ là thứ yếu, mà thời gian đợi từng giọt cà phê nhỏ xuống để mà hồi tưởng, để rồi viển vông mới là thứ gây cho người ta nỗi nghiện.

Ở xứ nhiệt đới này, người ta cưng chiều và ghét cả hai mùa mưa nắng. Bởi mọi thứ cũng từ tâm trạng mà ra. Nếu vào một đêm mưa gió, bạn ra đường để tìm kiếm một góc quán cà phê chẳng phải trông rất tội nghiệp lắm sao?! Người ta sẽ nhìn bạn như một lữ khách đang đứng ở ngã tư đường. Những lúc ấy, cơn mưa và âm nhạc là những người bạn không bao giờ rời bỏ bạn. Không ai trưởng thành mà trong lòng không có ít nhiều đổ vỡ, trong tình yêu hay trong cuộc sống, nhân tình thế thái. Nhưng ngày nay, những người tỏ ra thương cảm với một chút lòng trắc ẩn nửa vời thì nhiều, mà thật sự biết đau lòng trước nỗi đau của người khác thì lại ít đi. Cái đau xót nhân bản của con người hình như cũng đang đứng trước một ngã tư đường.

Nếu sống ở một nơi đủ lâu bạn sẽ có cảm tình với nơi chốn đó. Dẫu đó không phải là quê hương xứ sở, dẫu đó chỉ là phố trọ của cuộc đời. Đôi khi thấy một quán nhỏ ở thành phố này, hay ở miệt thứ nào đó có dựng tủ sách tử tế, tôi như thấy tinh thần kẻ sĩ giang hồ đang được thắp lửa lên. Tôi vẫn luôn mộng về một góc quán của riêng mình. Quán là nơi mà ai cũng có thể bước vào mà không phải do dự, để người trẻ đến đọc sách và tán dóc chuyện văn chương với bạn bè tri kỷ. Nhìn người trẻ đọc sách, tôi tin là chúng ta có quyền hy vọng về những gì cốt tủy nhất và cả những gì viển vông nhất. Ban đêm, từ góc quán nhìn xuống thành phố, còn lại những bông hoa âm thầm nở khuya, có phải mình là người lữ khách cuối cùng.

TRẦN LÊ ANH TUẤN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nga-tu-pho-xa-post743746.html