Nga tung biện pháp trả đũa gói trừng phạt thứ 11 của EU

Bộ Ngoại giao Nga khẳng định nước này sẽ tiếp tục đáp trả tương xứng các hành động 'thù địch' của các nước phương Tây.

Sau khi Liên minh châu Âu (EU) thông qua gói trừng phạt thứ 11 đối với Nga, Moscow đã mở rộng danh sách các đại diện EU bị cấm nhập cảnh vào Nga.

Tòa nhà Bộ Ngoại giao Nga. Ảnh: Sputnik

Tòa nhà Bộ Ngoại giao Nga. Ảnh: Sputnik

Theo RT, Bộ Ngoại giao Nga ngày 23/6 cho biết họ đang mở rộng danh sách những người bị cấm đến nước này để đáp trả gói trừng phạt mới nhất của EU và sẽ tiếp tục phản ứng "một cách thích hợp".

Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Brussels tiếp tục cố gắng gây áp lực lên Moscow thông qua các biện pháp trừng phạt đơn phương. Nga coi những hành động như vậy của EU là bất hợp pháp, làm suy yếu các đặc quyền pháp lý quốc tế của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Bộ này cũng khẳng định sẽ tiếp tục đáp trả các hành động “thù địch” của các nước phương Tây.

Bộ Ngoại giao Nga không nêu cụ thể các cá nhân chịu các biện pháp trừng phạt của Moscow. Tuy nhiên, theo thông báo, đó là đại diện của các cơ quan thực thi pháp luật, các tổ chức nhà nước và thương mại của các nước EU có liên quan trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, cũng như các quan chức châu Âu "chịu trách nhiệm về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga”.

Cũng theo Bộ này, “các hạn chế cũng được mở rộng đối với nghị sĩ của các nước EU đang thúc đẩy chương trình nghị sự đối đầu với Nga”.

Cùng ngày, công ty Positive Technologies của Nga tuyên bố các biện pháp trừng phạt của EU không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của đơn vị này.

Thông báo của Positive Technologies nêu rõ: "Hoạt động kinh doanh của chúng tôi không liên quan đến các nước EU, thay vào đó chúng tôi hướng đến các quốc gia thân thiện với Nga, đặc biệt là ở các thị trường Mỹ Latinh, Trung Đông, Bắc Phi và Đông Nam Á, cũng như Ấn Độ, Nam Phi, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác".

Trước đó cùng ngày, EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 11 đối với Moscow. Danh sách bổ sung bao gồm việc đưa ra cơ chế tác động đến các nước thứ ba bị nghi ngờ tái xuất hàng hóa bị trừng phạt, cấm vận chuyển các sản phẩm khác nhau qua Nga và những hạn chế cá nhân.

Gói trừng phạt mới cấm quá cảnh qua Nga những hàng hóa và công nghệ có thể được quân đội Nga sử dụng hoặc giúp ích cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh nước này.

Gói trừng phạt thứ 11 cũng áp đặt các hạn chế với việc bán hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng (có thể dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự) cho các quốc gia có khả năng bán lại chúng cho Nga. Việc đình chỉ phát sóng của 5 cơ quan truyền thông nhà nước Nga tại EU cũng được gia hạn.

Nhằm hạn chế việc các tàu chở dầu thô hoặc sản phẩm dầu mỏ Nga bốc hàng trên biển để lách lệnh trừng phạt từ EU, gói trừng phạt mới sẽ cấm những tàu khả nghi cập cảng EU.

Gói trừng phạt còn bổ sung thêm 71 cá nhân và 33 tổ chức vào danh sách bị đóng băng tài sản ở EU vì các cáo buộc liên quan xung đột Ukraine, trong đó có cáo buộc đưa trẻ nhỏ Ukraine sang Nga bất hợp pháp.

Từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2/2022, phương Tây đã áp loạt lệnh trừng phạt nhằm vào nhiều lĩnh vực của Moscow.

Lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Nga hồi tháng 4 nói rằng loạt lệnh trừng phạt mạnh hơn dự đoán nhưng nền kinh tế Nga vẫn trụ vững. Vào tháng 5, Nga đã công bố mức lạm phát hàng năm thấp nhất ở châu Âu, chỉ ở mức 2,3%, so với mức trung bình 7% của Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hôm 16/6, Tổng thống Putin đánh giá kinh tế Nga đang có triển vọng tích cực, với dự báo GDP tăng 2% trong năm nay.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nga-tung-bien-phap-tra-dua-goi-trung-phat-thu-11-cua-eu.html