Phía sau việc phương Tây do dự trừng phạt ngành hạt nhân Nga

Ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân của Nga và phương Tây vẫn phụ thuộc lẫn nhau sau khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine. Điều này phần nào giải thích cho việc Châu Âu không muốn áp dụng lệnh trừng phạt đối với ngành hạt nhân của Nga.

Nhà máy điện hạt nhân Electricite de France (EDF) ở Cattenom, Pháp - Ảnh: Reuters

Nhà máy điện hạt nhân Electricite de France (EDF) ở Cattenom, Pháp - Ảnh: Reuters

Một báo cáo thường niên đánh giá sự phát triển của năng lượng hạt nhân trên thế giới có nội dung: "Bất chấp những lời kêu gọi lặp đi lặp lại - đặc biệt là của Nghị viện Châu Âu - ngành hạt nhân Nga vẫn được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực này".

Nhóm tác giả của báo cáo nhận thấy sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Nga và các đối tác phương Tây vẫn còn đáng kể.

Điển hình như việc, công ty nhà nước Nga Rosatom đang triển khai tất cả 13 địa điểm xây dựng lò phản ứng hạt nhân đã khởi công bên ngoài Trung Quốc trong 5 năm qua. Do đó, các nhà cung cấp phụ tùng cho ngành công nghiệp hạt nhân phương Tây, chẳng hạn như turbine Arabelle của Pháp, không có bất kỳ khách hàng nước ngoài nào ngoài Rosatom, báo cáo lưu ý.

"Sự phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ về công nghiệp và thị trường giữa ngành công nghiệp hạt nhân Nga và các đối tác phương Tây phần nào lý giải cho sự do dự của Châu Âu trong việc áp đặt lệnh trừng phạt", báo cáo viết.

Trên thực tế, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Nga và phương Tây vẫn còn khi nhiều đồng minh của Mỹ và EU, ngoại trừ Đức, đã chuyển sang hạt nhân để tăng cường an ninh năng lượng và ít phụ thuộc hơn vào các mặt hàng năng lượng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Mặc dù được biết đến là một ngành công nghiệp với nhiều năm chậm trễ và chi phí khổng lồ, song một cuộc phục hưng năng lượng hạt nhân toàn cầu vẫn đang diễn ra.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết sự trở lại của năng lượng hạt nhân dự kiến sẽ thúc đẩy sản lượng điện hạt nhân đạt mức cao kỷ lục vào năm 2025.

Theo IEA, ngay cả khi một số quốc gia loại bỏ dần năng lượng hạt nhân hoặc đóng cửa sớm các nhà máy, sản lượng điện hạt nhân toàn cầu dự kiến sẽ tăng trung bình gần 3% mỗi năm cho đến năm 2026. Các động lực tăng trưởng chính sẽ là việc hoàn thành công tác bảo trì tại các nhà máy tại Pháp, khởi động lại một số nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản và các lò phản ứng mới được đưa vào hoạt động tại Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Châu Âu, cùng nhiều quốc gia khác.

Bình An

OP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/phia-sau-viec-phuong-tay-do-du-trung-phat-nganh-hat-nhan-nga-717843.html