Nga tung 'độc chiêu' mới đối phó với các thiết bị bay không người lái
Với sự phát triển nhanh chóng và mức độ nguy hiểm ngày càng gia tăng của các thiết bị bay không người lái (UAV), quân đội Nga đang hướng tới chế tạo các thiết bị tác chiến điện tử để khắc chế chúng trong các cuộc giao tranh.
Trên chiến trường, ngay cả những chiếc quadcopter (một trong những loại thiết bị bay không người lái) thông dụng trên thị trường dân sự cũng có khả năng tiến hành trinh sát chiến thuật và tiềm ẩn những nguy hiểm nhất định.
Với các hệ thống phòng không hiện đại, việc đối phó với các UAV như vậy vừa cực kỳ khó khăn lại vừa rất tốn kém.
Để đối phó với các UAV do thám và xung kích cỡ nhỏ, Nga đang phát triển các thiết bị chuyên dụng như súng điện từ dòng REX của Tập đoàn Kỹ thuật Quân sự Kalashnikov hay các tên lửa phản không đặc biệt đang được phát triển bởi các kỹ sư của Trung tâm Hạt nhân Nga.
Năm 2015, Tập đoàn Kỹ thuật Quân sự Kalashnikov đã mua lại cổ phần của nhà sản xuất máy bay không người lái ZALA Aero nhằm phát triển công nghệ không người lái và vũ khí chống UAV. Tập đoàn này đang nghiên cứu chế tạo các hệ thống tác chiến điện tử tập trung vào việc chống lại các UAV hiện đại. Nổi bật trong số đó là hai mẫu vũ khí phi sát thương REX-1 và REX-2 đã từng xuất hiện tại các triển lãm kỹ thuật quân sự.
Súng điện từ REX-1
Về thông số và trọng lượng, súng điện từ REX-1 có kích thước nhỏ gọn tương đương với các mẫu vũ khí tự động hiện đại. Theo nhà sản xuất, trọng lượng của REX-1 đạt 4,5 kg, tích hợp pin dự trữ, đảm bảo hoạt động trong 3 giờ. Nhiệm vụ chính của REX-1 là bảo vệ các cơ sở quan trọng và các khu vực khép kín khỏi các phương tiện bay không người lái xâm nhập.
Điều này đặc biệt quan trọng vì các hệ thống phòng không hiện đại không phải lúc nào cũng đảm bảo tiêu diệt UAV và việc phát hiện các máy bay không người lái cỡ nhỏ sử dụng các phương tiện trinh sát điện tử thông thường là rất khó khăn.
Theo Tập đoàn Kalashnikov, REX-1 có thể gây nhiễu tín hiệu hệ thống định vị vệ tinh GPS của Mỹ, BeiDou của Trung Quốc, Galileo của châu Âu hoặc GLONASS của Nga trong bán kính 5 km . Ngoài ra, ở khoảng cách 1 km, REX-1 có thể chặn tín hiệu LTE, 3G, GSM, gây nhiễu các tần số đang chạy: 900 Mhz, 2,4 GHz, 5,2-5,8 GHz.
Nhờ các khả năng này, REX-1 có thể vô hiệu hóa máy bay không người lái của đối phương mà không gây tổn hại về mặt vật lý. Bên cạnh đó, việc điều khiển thiết bị REX-1 khá đơn giản.
Ngoài ra, REX-1 còn được trang bị thêm đèn, thiết bị chỉ định mục tiêu và nhiều điểm ngắm khác nhau.
Súng điện từ REX-2
Trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế Army 2019, phiên bản mới REX-2 ra mắt đã được nhiều chuyên gia quân sự đánh giá đây là súng chống máy bay không người lái nhỏ gọn nhất thế giới. Ưu điểm chính của REX-2 là kích thước nhỏ gọn và trọng lượng nhẹ.
Nếu thiết kế đầu tiên REX-1 nặng xấp xỉ 4,2-4,5 kg, thì trọng lượng của vũ khí phi sát thương REX-2 chỉ khoảng 3 kg và chiều dài không vượt quá 500mm.
Theo các nhà phát triển, REX-2 được thiết kế để vô hiệu hóa tất cả các loại UAV, bao gồm cả các thiết bị quang học được sử dụng trên mặt đất hay dưới nước. Phiên bản nhẹ hơn và nhỏ hơn của thiết bị này có hiệu quả làm át tín hiệu của các hệ thống định vị vệ tinh trong bán kính 2km. REX-2 hoạt động bằng cách triệt tiêu tín hiệu điều hướng vô tuyến và vệ tinh - công nghệ vốn được ứng dụng trong hoạt động của hầu hết các UAV hiện đại.
Nhà phát triển REX-2 mong muốn mẫu vũ khí mới này có thể chống lại nhiều loại mục tiêu khác nhau do các thành phần của chúng có thể hoán đổi cho nhau, cũng như có thể được điều chỉnh để phù hợp với các nhiệm vụ cụ thể.
Tên lửa phản lực Antidrone
Cuối tháng Ba vừa qua, tờ Izvestia đăng tin về việc các chuyên gia của Trung tâm Hạt nhân Liên bang Nga đang phát triển thiết bị chống máy bay không người lái tốc độ cao bằng tên lửa phản lực (antidrone).
Tên lửa antidrone bao gồm thân tên lửa, hệ thống dẫn hướng mục tiêu và một thùng chứa đạn lưới bẫy (lưới có gắn các quả tạ ở các góc). Tên lửa mang “đạn lưới” bắn trực tiếp tới máy bay không người lái của đối phương, sau đó bung lưới, đảm bảo bắt giữ và vô hiệu hóa UAV.
Tuy nhiên, giới chuyên môn nhận định, các dự án bẫy UAV tương tự ở Nga không đủ hiệu quả để đánh chặn các phương tiện tốc độ cao khi thực hiện các cuộc diễn tập phức tạp trên không.
Theo hãng tin RIA Novosti, để đánh chặn các UAV bằng đạn lưới, các tên lửa antidrone cần phải điều chỉnh để phóng một mạng lưới bẫy với tốc độ đã tính toán sẵn. Quá trình trên sẽ mất nhiều bước và khó khăn vì các mục tiêu tốc độ cao có thể nhanh chóng thoát khỏi phạm vi hoạt động của thiết bị.
(theo Top War)