Nga tung hỏa mù với Ukraine, Mỹ đau đầu đi tìm lời giải
Giới quan sát nhận định, việc tìm kiếm một giải pháp mang tính cân bằng liên quan đến vấn đề Ukraine sẽ dễ dàng hơn nếu Mỹ hiểu rõ mục tiêu mà Tổng thống Putin đang cố gắng đạt được.
Việc Nga tăng cường hiện diện quân sự gần Ukraine đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc tấn công và làm xáo trộn phản ứng của chính quyền Biden.
Tìm kiếm giải pháp cân bằng
Một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã hối thúc chính phủ Mỹ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Song điều này có nguy cơ dẫn đến một cuộc xung đột biên giới giữa Nga-Ukraine, gây nhiều rủi ro cho Kiev và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng tại Liên minh châu Âu.
Tuy vậy, một phản ứng yếu ớt từ phía Mỹ cũng ẩn chứa những rủi ro khác. Nó có thể khiến Nga thực hiện các bước đi mạnh mẽ hơn nhằm gây sức ép với Ukraine, trong bối cảnh lo ngại gia tăng về việc Moscow đang có ý định tấn công nước láng giềng. Hơn nữa, điều đó sẽ gây tổn hại vị thế chính trị của Tổng thống Joe Biden khi mà tỷ lệ ủng hộ dành cho ông đang sụt giảm.
Giới quan sát nhận định, việc tìm kiếm một giải pháp mang tính cân bằng sẽ dễ dàng hơn nếu Mỹ hiểu rõ mục tiêu mà Tổng thống Putin đang cố gắng đạt được. Nhưng các quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ thừa nhận rằng họ không biết chính xác Nga muốn gì.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 17/11 cho biết: “Chúng tôi không biết chính xác những gì ông Putin đang muốn làm”. Một tuần trước đó, Ngoại trưởng Antony Blinken thừa nhận: “Chúng tôi không rõ ý định của Moscow nhưng chúng tôi biết màn kịch của họ”. Phát biểu trong cuộc gặp ngoại trưởng Ukraine, ông Blinken nói rằng, “màn kịch” của Nga là củng cố lực lượng gần biên giới và sau đó tấn công với cái cớ là “họ đang bị khiêu khích”.
Hạ nghị sỹ Mike Quigley – thành viên đảng Dân chủ tại bang Illinois cho rằng, hiểu rõ hơn về ý định của Tổng thống Putin là điều quan trọng để tránh những “hiểu lầm có thể gây ra một cuộc xung đột toàn diện”.
“Bất cứ phản ứng nào của Mỹ cũng cần phải được điều chỉnh và cân nhắc kỹ lưỡng để Washington tránh bị coi là “kẻ kích động hoặc kẻ khiêu khích”, ông Mike Quigley nói. “Đây là một công việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi phải thu thập thêm thông tin. Nó ảnh hưởng rất lớn đến khả năng của chúng ta nhằm đưa ra những quyết định chính xác”.
Ukraine cáo buộc Nga triển khai khoảng 90.000 binh sỹ ở gần biên giới nước này và cho đây là tín hiệu chứng tỏ Moscow đang chuẩn bị cho “một cuộc xâm lược”.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 19/11 nói rằng, liên minh đang chứng kiến sự “tập trung bất thường” của lực lượng Nga dọc biên giới Ukraine, đồng thời cảnh báo, trước đây Moscow từng sử dụng lực lượng như vậy để can thiệp vào các nước láng giềng. Một số ý kiến khác cho rằng, việc Moscow tăng cường sự hiện diện quân sự gần biên giới Ukraine cũng có thể là động thái nhằm ngăn Ukraine xích lại gần phương Tây hoặc gia nhập NATO
Về phần mình, Nga phủ nhận mọi đồn đoán cho rằng nước này đang có ý định tấn công Ukraine, khẳng định hành động này nhằm đáp trả sự gia tăng các hoạt động của NATO gần biên giới với Nga cũng như việc Ukraine tăng cường năng lực quân sự.
Phát biểu với báo chí, Tổng thống Putin cho biết: “Các đối tác phương Tây đang khiến tình hình leo thang căng thẳng bằng cách cung cấp vũ khí sát thương hiện đại cho Kiev và tiến hành những cuộc tập trận khiêu khích không chỉ ở Biển Đen mà còn ở các khu vực khác gần biên giới với Nga”.
Hồi đầu tháng này, Mỹ đã điều tàu chỉ huy USS Mount Whitney đến Biển Đen để tham gia các hoạt động chung với đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Washington cũng chuyển giao các thiết bị quân sự cần thiết cho Ukraine trong khuôn khổ gói hỗ trợ an ninh trị giá 60 triệu USD được công bố vào tháng 9/2021. Kể từ năm 2014, Mỹ đã cam kết chi hơn 2,5 tỷ USD giúp Ukraine củng cố quốc phòng.
Các lựa chọn đối phó Nga
Chính quyền Biden đã thực hiện một loạt hoạt động ngoại giao trong những tuần gần đây với hy vọng giảm leo thang căng thẳng. Các quan chức Mỹ đã có nhiều cuộc trao đổi, tiếp xúc với những người đồng cấp của Ukraine và Nga. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns, ngày 2/11 đã tới Moscow và có cuộc hội đàm với các quan chức an ninh cấp cao của Nga. Ông William Burns cũng có cuộc trò chuyện qua điện thoại hiếm hoi với Tổng thống Putin nói về cuộc khủng hoảng trong quan hệ ngoại giao, an ninh mạng và các cuộc xung đột trong khu vực.
Một số nhà phân tích cho rằng, trong trường hợp nỗ lực ngoại giao thất bại, chính quyền Biden vẫn có một số lựa chọn để đối phó với Nga.
Hồi tháng 4 vừa qua, chính quyền Biden đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, cùng cáo buộc Moscow can thiệp bầu cử Mỹ và tiếp tay cho các vụ tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng của Mỹ. Tuy vậy, các nhà lập pháp cho rằng việc bổ sung thêm lệnh trừng phạt khó có thể làm thay đổi hành vi của Nga.
Một nhóm nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã kêu gọi Mỹ tăng cường cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine, đẩy mạnh chia sẻ thông tin tình báo hoặc gia tăng sự hiện diện tại Biển Đen.
Nhưng Nga có thể nhanh chóng đáp trả bằng cách huy động thêm nhiều lực lượng hơn. Bên cạnh đó, Moscow có khả năng cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu giữa lúc khu vực này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.
Hai nhà phân tích của Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế cho biết, ông Putin có thể muốn gửi thông điệp tới Mỹ rằng Washington cần phải coi Nga “như một cường quốc lớn không thể bị gạt ra ngoài trong chương trình nghị sự của Mỹ”.
Còn Paul Kolbe, cựu sĩ quan Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) nhận xét: “Tổng thống Putin có thể thực hiện nhiều mục tiêu mà không cần phải tấn công Ukraine bằng cách gây sức ép đối với Kiev, NATO và gây chia rẽ các đồng minh của Mỹ. Nga có lẽ muốn đảm bảo rằng họ không phải đối mặt với các mối đe dọa ở biên giới nước này”./.