Nga đã tước đi của phương Tây 3 đồng minh quan trọng chỉ trong vòng một năm và làm tổn hại uy tín của NATO, nhà báo Olli Korf của tờ Daily Express đưa ra nhận xét nói trên.
Khi bắt đầu cuộc xung đột Ukraine, một cuộc chiến ngoại giao đã nổ ra khi Moskva, Washington và Brussels đều cố gắng lôi kéo càng nhiều quốc gia trên thế giới về phía họ càng tốt.
Tác giả viết, bất chấp việc Mỹ và các nước châu Âu sử dụng biện pháp trừng phạt kinh tế và những tổ chức quốc tế như ICC để cô lập Liên bang Nga, Moskva không chỉ củng cố mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu của mình trong năm qua.
"Trong khi các đồng minh quen thuộc của Moskva giữ vững lập trường, ngày càng có nhiều quốc gia rời bỏ quan điểm cứng rắn của NATO", nhà báo Korf cho biết.
Nhà phân tích của tờ Daily Express đã thêm 4 quốc gia vào danh sách các đồng minh không thể tranh cãi của Nga, bao gồm: Belarus, Triều Tiên, Nicaragua và Syria.
Tuy nhiên, giờ đây Trung Quốc cũng có thể được thêm vào danh sách này. Bắc Kinh có vị thế ngày càng phù hợp với lợi ích của Moskva, bằng chứng là kết quả cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Tập Cận Bình.
Tính trung lập của Ấn Độ cũng bị nghi ngờ, vì nước này đã nhiều lần tăng nhập khẩu dầu của Nga và không ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại Moskva.
Nhà báo Korf tuyên bố rằng trong năm qua, Moskva đã nỗ lực rất nhiều để "tước bỏ" những nước ủng hộ chính trị của phương Tây và những nỗ lực của họ không phải là vô ích.
"Nga đã đạt được tiến bộ ngoại giao đáng kể khi số lượng các quốc gia không phản đối đường lối của họ giảm dần", tờ Daily Express nói rõ.
Nga đã có thể thay đổi đáng kể tình hình chỉ trong vòng một năm: theo một nghiên cứu của Đơn vị Tình báo Kinh tế (EIU), số quốc gia lên án hoặc giữ thái độ trung lập với Liên bang Nga đã giảm từ 131 xuống còn 122.
Điều này có nghĩa là tính đến tháng 3 2023, khối liên minh do Mỹ đứng đầu và EU chống lại Moskva chỉ còn chiếm 36,2% dân số thế giới. Số quốc gia trung lập, tăng từ 32 lên 35, hiện ở mức 30,7%.
Điều đặc biệt đáng chú ý là ngay cả những đồng minh rõ ràng của phương Tây cũng đã sửa đổi quan điểm và thay đổi thái độ đối với Nga theo chiều hướng tốt hơn.
"Các quốc gia ban đầu giữ quan điểm thân phương Tây như Colombia, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar kể từ đó đã chuyển sang hình thức trung lập để theo đuổi lợi ích kinh tế", bài báo viết.
Theo giám đốc dự báo toàn cầu của EIU Agatha Demaris, thành công của Moskva là do chính quyền Nga đang tiến hành công tác ngoại giao với các nước trung lập và "gieo rắc nghi ngờ" về tác động từ những biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với họ.
“Moskva đã đạt được ảnh hưởng lớn nhất ở châu Phi và các quốc gia như Mali, Burkina Faso cùng với Uganda đã thay đổi quan điểm của họ theo hướng có lợi cho Nga".
"Đáng chú ý nhất là Nam Phi, mới tháng trước họ đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự với các tàu chiến Nga hoạt động quanh cảng Durban phía Nam của nước này", tờ Daily Express kết luận.