"Ngày mai tại Đại sảnh Georgian của Đại điện Kremlin, lễ ký kết sáp nhập các vùng lãnh thổ mới vào Nga sẽ diễn ra lúc 15h (19h giờ Hà Nội)", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 29/9 cho hay.
"Thỏa thuận sẽ được ký với tất cả 4 vùng lãnh thổ đã tổ chức trưng cầu dân ý và đưa ra yêu cầu tương ứng với phía Nga", ông Dmitry Peskov nhấn mạnh.
Theo ông Peskov, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có bài phát biểu quan trọng trong sự kiện này và gặp gỡ lãnh đạo các vùng lãnh thổ sáp nhập.
Ban đầu, có thông tin Nga tạm hoãn chưa sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Kherson, Zaporizhzhia ở miền nam và Donetsk, Lugansk ở miền đông...
Sau đó thông báo chính thức về việc sáp nhập được Điện Kremlin đưa ra một ngày sau khi chính quyền thân Nga ở 4 vùng Ukraine thông báo kết quả trưng cầu dân ý cho thấy phần lớn người dân chọn sáp nhập Nga. Lãnh đạo 4 vùng này ngày 29/9/2022 đã tới Moscow để hoàn tất thủ tục pháp lý.
Bốn vùng lãnh thổ này rộng 90.000 km2, chiếm 15% diện tích Ukraine và dân số ước tính khoảng 4 triệu người. Nga chưa kiểm soát hoàn toàn tỉnh nào trong số này.
Donetsk và Lugansk là hai tỉnh tạo thành vùng Donbass, miền đông Ukraine. Hai khu vực này trở thành điểm nóng giao tranh từ năm 2014, sau khi người dân ở đây tổ chức phong trào phản kháng vũ trang đòi quyền tự trị và ly khai khỏi Ukraine.
Tổng thống Putin ngày 21/2/2022 công nhận độc lập cho DPR và LPR, sau đó phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine nhằm "giải phóng Donbass".
Nga kiểm soát hầu hết Kherson và 73% tỉnh Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine kể từ hồi tháng 3/2022.
Điện Kremlin cho rằng các cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý có ý nghĩa pháp lý và cũng tạo ra các tác động về an ninh.
Điều này ám chỉ cảnh báo rằng Nga có thể dùng vũ khí hạt nhân để "bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ" sau khi sáp nhập 4 vùng nói trên.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi đây là "trò hề" và tuyên bố quân đội Ukraine sẽ giành lại các vùng lãnh thổ của mình.
Nhiều quốc gia không công nhận tính hợp pháp của các cuộc trưng cầu dân ý này.
Nhà Trắng tuyên bố, Mỹ "sẽ không bao giờ công nhận" các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở Ukraine là bất cứ thứ gì khác ngoài thực tế đó là một phần lãnh thổ của Ukraine. Mỹ coi các cuộc trưng cầu dân ý này là "bất hợp pháp" và sẽ không công nhận kết quả.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh và đối tác để buộc Nga phải chịu trách nhiệm và ủng hộ Ukraine lâu nhất có thể".
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, ông Zhang Jun cho biết : "Lập trường và đề xuất của chúng tôi về cách nhìn nhận và xử lý vấn đề Ukraine là nhất quán và rõ ràng. Đó là chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia cần được tôn trọng".
Liên Hợp Quốc khẳng định cương quyết công nhận chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine theo các đường biên giới đã được cộng đồng quốc tế công nhận từ trước tới nay.
Bà Rosemary DiCarlo - Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị - cho biết LHQ vẫn cam kết với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và không thể xem các cuộc trưng cầu dân ý ở bốn tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia là “biểu hiện thực sự nguyện vọng của nhân dân”.
“Các hoạt động này, bắt đầu vào ngày 23/9/2022, đã được tổ chức trong khi cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra, tại các khu vực dưới sự kiểm soát của Nga và bên ngoài khuôn khổ luật pháp và hiến pháp của Ukraine. Chúng không thể được gọi là biểu hiện thực sự nguyện vọng của nhân dân”, bà DiCarlo nói.
Ông Vassily Nebenzia, Đại sứ Liên hợp quốc của Nga, nói rõ rằng Nga sẽ lại tiếp tục phủ quyết, chỉ trích hành động này là "sự nóng nảy của các phái đoàn phương Tây".
"Các cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành minh bạch, đảm bảo tất cả các tiêu chuẩn bầu cử", ông Vassily Nebenzia nhấn mạnh.
Việt Hùng