Nga tuyên bố sẽ vượt được khủng hoảng với 'sinh lực tràn đầy'
'Về những vấn đề kinh tế của chúng tôi, chúng tôi sẽ giải quyết được', Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố...
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov - Ảnh: CNBC.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 10/3 đưa ra một lập trường cứng rắn trước những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt mà phương Tây áp lên nước này nhằm đáp trả cuộc tấn công quân sự của nga nhằm vào Ukraine. Ông Lavrov nói Nga sẽ phục hồi từ cuộc khủng hoảng này trong trạng thái “tràn đầy sinh lực” và sẽ không bao giờ phải dựa vào các đối tác phương Tây nữa.
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, nhà ngoại giao cấp cao nhất của Nga nói nước này có thể tự mình giải quyết các khó khăn kinh tế. Tuyên bố này được đưa ra giữa lúc nền Nga ngày càng bị cô lập khỏi nền kinh tế toàn cầu bởi sự trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
“Về những vấn đề kinh tế của chúng tôi, chúng tôi sẽ giải quyết được”, ông Lavrov phát biểu tại Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba. Ông nhấn mạnh rằng Nga đã từng trải qua nhiều giai đoạn bị cô lập và gặp khó khăn về kinh tế.
Ông Lavrov nói các biện pháp trừng phạt của phương nhằm vào Nga là đi ngược lại các giá trị dân chủ của phương Tây, là một ví dụ khác về sự bất khả tín của phương Tây.
Ông Lavrov – người đã nhiều năm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga – nói thêm rằng ông không còn “ảo tưởng” rằng phương Tây là đáng tin cậy, đồng thời cáo buộc các nước phương Tây phản bội Moscow.
“Tôi đảm bảo rằng chúng tôi sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng này trong trạng thái tràn đầy sinh lực. Chúng tôi sẽ không còn chút ảo tưởng nào rằng phương Tây có thể là một đối tác đáng tin cậy nữa”, ông Lavrov nói.
“Chúng tôi sẽ làm tất cả mọi thứ, bằng bất kỳ cách nào, để độc lập khỏi phương Tây trong những lĩnh vực của đời sống có tầm quan trọng mang tính quyết định đối với nhân dân của chúng tôi”, ông Lavrov phát biểu.
Tuy nhiên, ông Lavrov không nói rõ liệu Nga sẽ làm gì để đưa nền kinh tế của mình đi lên mà không cần dựa vào nền kinh tế toàn cầu.
Dưới sức ép trừng phạt, nền kinh tế Nga đã chao đảo kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ lệnh tấn công Ukraine cách đây 2 tuần. Đồng Rúp Nga tiếp tục mất giá trong tuần này, xuống mức thấp kỷ lục mới, trong khi thị trường chứng khoán Nga vẫn đóng cửa. Mục đích của phương Tây khi đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga là khiến nền kinh tế nước này phải suy sụp, và nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng phương Tây có thể đạt được mục đích như vậy.
Điện Kremlin ngày 10/3 thừa nhận rằng nền kinh tế Nga đã bị sốc do cuộc chiến kinh tế “chưa từng có tiền lệ” với phương Tây.
Trong khi đó, áp lực đối với giới tinh hoa Nga tiếp tục gia tăng. Chính phủ Anh ngày 10/3 đưa tỷ phú Nga Roman Abramovich, chủ sở hữu câu lạc bộ bóng đá Anh Chelsea, và 6 doanh nhân Nga khác vào danh sách ngày càng dài các cá nhân người Nga bị đóng băng tài sản do các biện pháp trừng phạt của Anh, EU và Mỹ.
Ông Lavrov nói các biện pháp trừng phạt của phương nhằm vào Nga là đi ngược lại các giá trị dân chủ của phương Tây, là một ví dụ khác về sự bất khả tín của phương Tây.
Phát biểu tại một sự kiện của tờ báo Washington Post ngày 10/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng kinh tế Nga đang suy sụp. “Kinh tế Nga sẽ tơi tả vì những biện pháp của chúng ta. Nhưng chúng ta sẽ tiếp tục cân nhắc thêm những biện pháp nữa có thể nhằm vào họ”, bà Yellen nói.
Theo bà Yellen, ở thời điểm hiện tại, Mỹ chưa nhận thấy Nga sẽ lùi bước khỏi cuộc xung đột vũ trang với Ukraine. “Bởi vậy, chắc chắn là chúng ta cần phối hợp với đồng minh để tính các biện pháp tiếp theo”, bà phát biểu.
Người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ cho rằng việc trừng phạt Nga có một số ảnh hưởng nhất định đối với kinh tế Mỹ, nhưng giới chức Mỹ đã nỗ lực để giảm thiểu tác động đó. “Giá dầu toàn cầu đã bị đẩy lên cao. Chúng ta chứng kiến điều này khi mua xăng”, bà nói.
Khi được hỏi liệu các nước đồng minh của Mỹ có tiến tới cấm nhập dầu thô và khí đốt của Nga như Mỹ đã làm, bà Yellen nhắc lại quan điểm rằng Washington nhận thấy “không phải tất cả mọi quốc gia đều có cùng lập trường” về trừng phạt ngành năng lượng Nga. “Mỹ phụ thuộc rất ít vào dầu Nga”, bà nói.