Nga - Ukraine: Hòa bình chưa thành, nhưng cánh cửa đối thoại vẫn để ngỏ

Hơn 3 năm sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát, cuộc chiến khốc liệt vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Với hàng trăm nghìn trường hợp thương vong, hàng triệu người phải rời bỏ quê hương, hàng loạt thành phố bị phá hủy và hệ lụy nghiêm trọng đối với an ninh khu vực lẫn toàn cầu, thế giới đang trông chờ từng tia sáng hy vọng từ bàn đàm phán giữa hai bên.

Kết quả khiêm tốn của vòng đàm phán thứ ba

Phái đoàn Nga và Ukraine ngày 23-7 đã nối lại đàm phán tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, điểm đến trung gian quen thuộc của tiến trình đối thoại song phương kể từ tháng 5-2025. Phái đoàn Nga do Trợ lý Tổng thống Vladimir Medinsky dẫn đầu, trong khi trưởng đoàn Ukraine là Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Rustem Umerov. Tuy nhiên, vòng đàm phán lần này chỉ kéo dài vỏn vẹn 40 phút, ngắn nhất so với hai vòng trước diễn ra vào ngày 16-5 và 2-6 vừa qua.

Nga và Ukraine đạt kết quả khiêm tốn tại vòng đàm phán hòa bình thứ ba tại thành phố Istanbul

Nga và Ukraine đạt kết quả khiêm tốn tại vòng đàm phán hòa bình thứ ba tại thành phố Istanbul

Kết quả cụ thể của cuộc gặp không được công bố chi tiết, nhưng phía Nga cho biết hai bên đã đạt được đồng thuận về việc trao đổi 1.200 tù binh chiến tranh từ mỗi phía và Matxcơva đề nghị bàn giao thi thể của 3.000 binh sĩ Ukraine đã tử trận. Đây là bước đi mang tính nhân đạo, cho thấy cả hai bên đều nhận thức rõ sự tàn khốc của chiến tranh và sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ tối thiểu đối với binh sĩ và gia đình họ.

Đáng chú ý, phía Ukraine cũng đã chính thức đề xuất tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 8 tới, với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Mục tiêu là thảo luận trực tiếp và tìm kiếm một đột phá chính trị. Phía Kiev coi đây là “ưu tiên hàng đầu”, với kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh có thể giúp tháo gỡ bế tắc về các điều kiện ngừng bắn.

Tuy nhiên, phản hồi từ phía Nga lại khá thận trọng. Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cho biết, một cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước “chỉ nên được tổ chức để ký kết các văn kiện cuối cùng, chứ không phải để thảo luận từ đầu”. Quan điểm này phần nào phản ánh lập trường bảo lưu của Matxcơva trước những khác biệt sâu sắc về điều kiện hòa bình.

Có thế thấy, dù đã tiến hành ba vòng đàm phán trong vòng hơn hai tháng qua, nhưng thực tế cho thấy khoảng cách quan điểm giữa hai bên vẫn còn rất xa. Phía Ukraine kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, yêu cầu Nga rút quân khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, đồng thời đề xuất một lệnh ngừng bắn toàn diện có sự giám sát của quốc tế. Kiev cũng mong muốn thiết lập cơ chế trao đổi tù binh theo phương thức “tất cả đổi lấy tất cả”, cùng với các điều khoản đảm bảo an ninh hậu chiến thông qua cam kết quốc tế.

Trong khi đó, Nga tiếp tục duy trì những yêu cầu mang tính chiến lược, bao gồm “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” Ukraine, bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga ở vùng Donbass, và quan trọng nhất là yêu cầu Kiev cam kết không gia nhập NATO, điều mà Matxcơva coi là nguyên nhân sâu xa dẫn tới xung đột. Nga cũng yêu cầu công nhận việc sáp nhập các vùng lãnh thổ hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của họ như Crimea, Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson.

Những điểm mấu chốt này đang tạo ra thế đối đầu khó dung hòa. Ukraine từ chối mọi giới hạn về chủ quyền quân sự và định hướng đối ngoại, trong khi Nga xem đó là điều kiện tiên quyết để kết thúc chiến tranh. Đây chính là “nút thắt” lớn nhất ngăn cản việc đạt được một thỏa thuận mang tính toàn diện.

Cơ hội mong manh cho cuộc gặp thượng đỉnh

Vòng đàm phán lần này diễn ra trong bối cảnh Nga và Ukraine đều đang phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng gia tăng. Liên minh châu Âu (EU) mới đây áp đặt thêm một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính nhằm vào Nga. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang tìm cách chứng minh vai trò kiến tạo hòa bình, đã ra tối hậu thư 50 ngày để Matxcơva đồng ý một thỏa thuận, nếu không sẽ bị áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn.

Đây là yếu tố có thể vừa thúc đẩy, vừa kìm hãm tiến trình đàm phán. Mặc dù sức ép bên ngoài có thể buộc các bên phải trở lại bàn đàm phán, nhưng nếu bị xem là nhượng bộ dưới áp lực, đặc biệt với yếu tố thể diện và tính chính danh trong nội bộ, các nhà lãnh đạo có thể càng trở nên bảo thủ hơn. Chính vì vậy, vai trò trung gian của các bên thứ ba có uy tín và trung lập như Thổ Nhĩ Kỳ là rất quan trọng. Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục khẳng định vai trò là “cầu nối” giữa hai phía, vừa cung cấp không gian đàm phán trung lập, vừa sẵn sàng hỗ trợ giám sát ngừng bắn và các cơ chế nhân đạo. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tuyên bố: “Mục tiêu cao nhất là hướng tới một lệnh ngừng bắn, giúp mở ra con đường tiến tới hòa bình”.

Điều đáng lo ngại là cuộc đàm phán ngày 23-7 diễn ra trong khi chiến sự vẫn leo thang trên nhiều mặt trận. Chỉ một ngày trước đó, Nga và Ukraine đều tiến hành các chiến dịch quân sự quy mô lớn, khiến hàng chục binh sĩ thương vong. Điều này không chỉ làm gia tăng sự khốc liệt của cuộc chiến, mà còn khiến bối cảnh đàm phán trở nên căng thẳng và thiếu niềm tin.

Việc tiếp tục có các hoạt động tác chiến khốc liệt trên chiến trường trong lúc đàm phán được giới quan sát đánh giá là cách để hai bên “tạo đòn bẩy” trên bàn thương lượng. Tuy nhiên, chính cách tiếp cận này lại là con dao hai lưỡi, làm suy yếu khả năng đạt được đột phá thực chất. Hòa bình không thể nảy mầm trong khói lửa xung đột nếu thiếu sự kiên định với con đường ngoại giao.

Tuy vậy, cuộc gặp ngày 23-7 vẫn mang lại một số dấu hiệu tích cực. Sự hiện diện của các quan chức cấp cao trong cả hai phái đoàn, từ quân đội, ngoại giao cho tới tình báo… cho thấy cả hai bên đều không xem nhẹ tiến trình đàm phán. Việc trao đổi văn bản đề xuất, thống nhất tiếp tục duy trì liên lạc, và đạt được thỏa thuận nhân đạo về tù binh cũng là những tín hiệu cần được duy trì và củng cố.

Điểm nhấn đáng chú ý nhất tại vòng đàm phán lần này là đề xuất tổ chức cuộc gặp giữa hai Tổng thống Vladimir Putin và Volodymyr Zelensky vào tháng 8 tới, với sự tham dự của hai Tổng thống Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu được tổ chức, đây sẽ là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp lại nhau sau gần 6 năm, và là lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến bùng phát.

Phía Ukraine kỳ vọng cuộc gặp này có thể trở thành bước ngoặt về chính trị, trong khi phía Nga vẫn tỏ rõ sự dè dặt. Tuy nhiên, điều đáng khích lệ là cả hai bên đều không bác bỏ hoàn toàn ý tưởng này. Với vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và sức ép từ Mỹ, cơ hội để hội nghị thượng đỉnh diễn ra là có dù rất mong manh. Tổng thống Donald Trump, người đang thúc đẩy một chính sách “đi thẳng vào thỏa thuận”, có thể đóng vai trò xúc tác để hai bên thu hẹp khác biệt. Dù cách tiếp cận này tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng cũng có thể mang lại kết quả nếu các bên thực sự thiện chí.

Hơn 3 năm kể từ ngày cuộc xung đột Nga - Ukraine, cả hai bên đều đã phải hứng chịu quá nhiều đau thương, tổn thất và bất ổn. Những nỗ lực ngoại giao như vòng đàm phán ngày 23-7 tại Istanbul có thể chưa tạo ra đột phá, nhưng là bước đi cần thiết để duy trì hy vọng. Trong bối cảnh chiến trường vẫn khốc liệt và lập trường đôi bên còn quá xa, việc duy trì đối thoại, đề xuất văn bản và thực hiện các thỏa thuận nhân đạo là những nền móng cho tiến trình hòa bình trong tương lai.

Istanbul, với vai trò là điểm gặp gỡ, hoàn toàn có thể trở thành nơi đặt viên gạch đầu tiên cho một chương mới, chương của hòa giải và tái thiết. Một giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột đòi hỏi nhiều thời gian, sự nhượng bộ và quyết tâm chính trị từ cả hai phía. Nhưng trong bóng tối của xung đột, bất kỳ tia sáng nào cũng đều đáng quý. Hòa bình chưa thể định hình, nhưng ít nhất cánh cửa hòa bình vẫn để ngỏ chứ không đóng chặt hoàn toàn.

Hoàng Hà

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nga-ukraine-hoa-binh-chua-thanh-nhung-canh-cua-doi-thoai-van-de-ngo-post618647.antd