Nga: Ukraine làm trầm trọng thêm khủng hoảng năng lượng ở châu Âu
Quan chức ngoại giao Nga tại Liên hợp quốc nói rằng Kiev đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
Theo hãng tin Tass, Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Dmitry Polyansky hôm 15/7 cho biết Ukraine không quan tâm đến hậu quả đối với châu Âu khi nước này hạn chế vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu.
"Họ (Ukraine) đã cản trở việc trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu thông qua một tuyến đường ống thuộc lãnh thổ nước này vì nó được đặt ở nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Lugansk và hiện do Nga kiểm soát” - ông Polyansky nói khi trả lời phỏng vấn đài TNT hôm 15/7.
Trong một diễn biến liên quan, RT hôm 14/7 đưa tin ông Dmitry Birichevsky, người đứng đầu Cơ quan Hợp tác Kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Nga cho biết, tương lai việc trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine sẽ phụ thuộc vào các nước châu Âu. Việc châu Âu từ bỏ năng lượng Nga có nghĩa là Ukraine sẽ không còn được nhận phí trung chuyển.
“Nếu các khách hàng châu Âu vẫn có nhu cầu và hệ thống đường ống ở Ukraine vẫn hoạt động, Nga sẽ xem xét duy trì việc trung chuyển qua Ukraine”, ông Birichevsky nhấn mạnh.
Hợp đồng trung chuyển hiện nay với Ukraine được ký từ tháng 12/2019, có thời hạn 5 năm, có thể gia hạn thêm 10 năm. Ukraine coi hợp đồng này là một chiến thắng lớn.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2, các nước châu Âu đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moscow, đồng thời lên kế hoạch thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Trước đó, hôm 10/5 vừa qua, Ukraine tuyên bố ngừng vận chuyển khí đốt qua một trong hai tuyến đường ống mà Nga sử dụng, cho rằng điều này là cần thiết do mất kiểm soát đối một phần của hệ thống đường ống. Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga bác bỏ những tuyên bố của Ukraine cho rằng việc tiếp tục vận hành đường ống là không an toàn.
Tháng trước, việc vận chuyển khí đốt Nga đến châu Âu qua một tuyến đường khác, là Dòng chảy phương Bắc, đã bị gián đoạn. Nga giảm 60% công suất tuyến đường ống này do Đức không trả lại turbine khí đốt sau khi đưa đi bảo trì. Thiết bị quan trọng này đã bị kẹt ở Canada do lệnh trừng phạt của Ottawa nhằm vào Nga.
Canada hôm 9/7 đã đồng ý trả lại turbine về Đức. Tuy nhiên, Ukraine chỉ trích quyết định này, gọi đây là sự xói mòn của các lệnh trừng phạt, đồng thời tuyên bố rằng thay vào đó, Nga có thể bơm thêm khí đốt sang châu Âu qua Ukraine.