Nga và Ấn Độ hợp tác sản xuất chiến đấu cơ Su-30 để xuất khẩu?

Ấn Độ là quốc gia duy nhất được Nga cấp phép sản xuất dòng chiến đấu cơ Su-30. Hiện Moscow và New Delhi được cho là đang đàm phán để sản xuất và xuất khẩu dòng chiến đấu cơ uy lực này.

Theo The Diplomat, Ấn Độ đang tiến gần đến thời điểm then chốt trong thị trường quốc phòng toàn cầu khi tham gia thảo luận với Nga về việc hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu Su-30 để xuất khẩu.

Hindustan Aeronautics Limited (HAL) của Ấn Độ là nơi duy nhất ngoài Nga đã sản xuất lắp ráp máy bay chiến đấu Su-30MKI cho Không quân Ấn Độ (IAF) trong hơn hai thập kỷ vừa qua.

Với nền tảng kỹ thuật này, không khó để Ấn Độ dưới sự cho phép của Nga có thể sản xuất và xuất khẩu dòng chiến đấu cơ Su-30.

Su-30MKI là máy bay chiến đấu đa năng do Cục thiết kế Sukhoi của Nga và HAL của Ấn Độ cùng phát triển cho không quân Ấn Độ.

Máy bay được trang bị hệ thống kiểm soát vectơ lực đẩy và cánh phụ, giúp tăng cường khả năng cơ động.

Chiến đấu cơ này bay lần đầu vào năm 2000 và đi vào hoạt động từ năm 2002.

Không quân Ấn Độ đã đặt hàng 272 máy bay Su-30MKI, đưa máy bay này thành “xương sống” trong đội máy bay chiến đấu của IAF.

Ngoài pháo 30mm, Su-30MKI có 12 giá treo, có khả năng mang tới 8 tấn vũ khí, bao gồm tên lửa không đối đất (Kh-29, Kh-31, Kh-59M) và tên lửa không đối không (R-27, R-73, R-77).

Máy bay cũng có thể phóng tên lửa hành trình BrahMos với tầm bắn 290km.

Để phòng thủ, máy bay được trang bị các biện pháp đối phó điện tử, bao gồm máy thu cảnh báo radar Tarang, máy phát tán mồi bẫy/pháo sáng và máy gây nhiễu chủ động.

Được trang bị 2 động cơ AL-31FP, Su-30MKI có thể đạt tốc độ tối đa Mach 1,9 và có tầm hoạt động tối đa 3.000km, có thể mở rộng tới 8.000km khi được tiếp nhiên liệu trên không.

Việc hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu Su-30 tại Ấn Độ mang lại lợi thế cho cả New Delhi và Moscow.

Đối với Nga, đây là cách để vượt qua các lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ áp đặt theo luật CAATSA nhằm cản trở việc bán thiết bị quân sự cho nhiều quốc gia.

Khi sản xuất Su-30 tại Ấn Độ, máy bay chiến đấu do Nga thiết kế có thể tiếp cận các thị trường mới.

Trong khi Ấn Độ được hưởng lợi từ việc duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất quốc phòng trong nước, hỗ trợ hàng trăm công ty địa phương tham gia vào chương trình Su-30.

Bằng cách cùng nhau sản xuất máy bay chiến đấu Su-30 để xuất khẩu, Ấn Độ và Nga có thể củng cố quan hệ quốc phòng và mở rộng ảnh hưởng của họ trên thị trường vũ khí toàn cầu.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nga-va-an-do-hop-tac-san-xuat-chien-dau-co-su-30-de-xuat-khau-post587985.antd