Nga và Belarus giải thích lý do tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật
Theo Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, Minsk và Moscow đã thông báo công khai về cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật trong bối cảnh leo thang căng thẳng với phương Tây liên quan đến chiến sự tại Ukraine.
Nga nêu lý do buộc phải tăng cường các biện pháp răn đe hạt nhân
RT đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov ngày 9/5 cho biết, quyết định gần đây của Moscow về việc tiến hành cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật một phần do lập trường ngày càng leo thang của một số nước phương Tây.
Theo Thứ trưởng Ryabkov, quân đội Nga đã tham gia vào kế hoạch "phủ đầu" sơ bộ trong trường hợp nước này dỡ bỏ lệnh cấm triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn.
Khi được hỏi liệu những tên lửa như vậy có thể được triển khai hay không, ông Ryabkov nói rằng điều đó phụ thuộc vào tình hình thực tế.
Đồng thời, ông Ryabkov lưu ý rằng học thuyết hạt nhân của Nga vẫn không thay đổi, khi chỉ cho phép sử dụng những loại vũ khí như vậy trong trường hợp sự tồn tại của quốc gia bị đe dọa.
Tuy nhiên, quan chức ngoại giao Nga cũng cảnh báo với Mỹ và phương Tây rằng Moscow buộc phải tăng cường các biện pháp răn đe hạt nhân do chính sách leo thang từ Washington và phương Tây.
Khi được hỏi liệu Nga có sửa đổi chiến lược răn đe hay không, ông Ryabkov nhấn mạnh "hiện tại không có thay đổi nào, nhưng tình hình đang chuyển biến". Ông nói thêm rằng Nga đang phân tích tình hình để xem học thuyết hạt nhân hiện tại có đủ để đảm bảo an ninh quốc gia hay không.
Bộ Quốc phòng Nga đầu tuần này thông báo các cuộc tập trận hạt nhân, theo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin và có sự tham gia của lực lượng tên lửa, không quân và hải quân, sẽ diễn ra "trong tương lai gần". Theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tập trận nhằm thể hiện sự sẵn sàng của Moscow trong việc "đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền vô điều kiện" của quốc gia.
Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Nga đã quyết định tổ chức các cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật để đáp trả tuyên bố của một số nước NATO về khả năng gửi quân tới Ukraine. Theo ông Peskov, quyết định tập trận được đưa ra sau tình huống leo thang "mới" và "chưa từng có" liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga nói rằng cuộc tập trận tên lửa hạt nhân chiến thuật đã được lên kế hoạch "trong bối cảnh những tuyên bố hiếu chiến gần đây của các quan chức phương Tây và những hành động gây bất ổn nghiêm trọng do một số nước thành viên NATO thực hiện” liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Bộ Ngoại giao Nga cũng trích dẫn các tuyên bố của Ba Lan về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Ba Lan, cũng như động thái hạt nhân gần đây của Pháp và việc Tổng thống Emmanuel Macron đề cập đến khả năng cử binh sĩ Pháp và lực lượng quân đội NATO khác tới Ukraine.
Nga nhiều lần nêu rõ học thuyết về hạt nhân của nước này. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo giới hồi tháng 3, người đứng đầu Điện Kremlin một lần nữa nhấn mạnh, Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu xuất hiện bất cứ mối đe dọa nào đối với sự tồn tại, độc lập, chủ quyền của đất nước.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại vũ khí được thiết kế để sử dụng trên chiến trường, có thiết kế nhỏ hơn và được sử dụng ở khoảng cách ngắn, khác với vũ khí hạt nhân chiến lược vốn được dùng để tấn công các mục tiêu chiến lược ở khoảng cách xa.
Belarus lên tiếng về cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật với Nga
Theo hãng tin Tass, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 9/5 thông báo, Nga và Belarus đang tiến hành các cuộc tập trận chung vũ khí hạt nhân chiến thuật trong bối cảnh cả hai nước cùng đối mặt những đe dọa về an ninh.
Theo Tổng thống Belarus, Minsk và Moscow đã thông báo công khai về cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật khi leo thang căng thẳng với các quốc gia phương Tây liên quan đến chiến sự tại Ukraine".
Ông Lukashenko nhấn mạnh rằng cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật với Nga được tổ chức theo sáng kiến của ông.
Tổng thống Lukashenko cho biết, Belarus sẽ tham gia cuộc tập trận ở giai đoạn thứ hai, và hai bên sẽ công bố kết quả diễn tập chung sau khi kết thúc giai đoạn thứ ba.
Nhà lãnh đạo Belarus tiết lộ, cuộc tập trận sẽ bao gồm việc vận chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật từ kho lưu trữ đến các đơn vị quân đội, nơi chúng sẽ được gắn lên tên lửa và máy bay chiến đấu. Ông cho hay, các đơn vị tên lửa sẽ thực hành triển khai bí mật tới các vị trí bắn để mô phỏng phản ứng trước 1 cuộc tấn công vào Belarus.
Trước đó, hôm 7/5, Tổng thống Lukashenko cho biết, cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật chung với Nga “hoàn toàn mang tính phòng thủ” khi lập luận rằng vũ khí hạt nhân của Moscow nhằm ngăn chặn bất kỳ hành động xâm lược tiềm tàng nào chống lại Belarus. “Đây là vũ khí răn đe, vũ khí phòng thủ” - ông Lukashenko cho hay.
Theo hãng tin AP, Belarus hôm 7/5 đã tiến hành cuộc tập trận liên quan đến tên lửa và máy bay chiến đấu có khả năng mang vũ khí hạt nhân chiến thuật, loại vũ khí mà Nga - đồng minh thân cận của Belarus - đã triển khai ở nước này trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây về vấn đề Ukraine.
Động thái này diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Nga công bố kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận tương tự mô phỏng việc sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường nhằm đáp trả những tuyên bố của giới chức phương Tây về khả năng can dự sâu hơn vào cuộc xung đột ở Ukraine. Đây là lần đầu tiên 1 cuộc tập trận như vậy được Nga tuyên bố công khai.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin, 1 đơn vị tên lửa Iskander và 1 phi đội máy bay chiến đấu Su-25 sẽ tham gia cuộc tập trận.
Năm ngoái, Nga đã triển khai một số vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus, quốc gia cũng giáp Ukraine và các nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Ba Lan, Latvia và Litva. Moscow khẳng định, vũ khí hạt nhân chiến thuật được triển khai tới Belarus vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga.
Cả ông Putin và ông Lukashenko đều khẳng định rằng việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân tới Belarus là nhằm chống lại các mối đe dọa từ phương Tây.
Việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus, quốc gia có đường biên giới dài 1.084 km với Ukraine, sẽ cho phép máy bay và tên lửa của Nga tiếp cận các mục tiêu tiềm năng ở đó dễ dàng và nhanh chóng hơn nếu Moscow quyết định sử dụng chúng. Động thái này cũng mở rộng khả năng của Nga trong việc nhằm vào một số đồng minh NATO ở Đông và Trung Âu.