Nga và Mỹ sẽ 'cải thiện quan hệ' như thế nào?
Các quan chức Mỹ và Nga đã đồng ý khám phá 'các cơ hội kinh tế và đầu tư' có thể có đối với hai nước sau khi kết thúc chiến tranh ở Ukraine sau các cuộc đàm phán ở Saudi Arabia dẫn tới sự thay đổi trong cách tiếp cận của Washington với Moscow.
Tuyên bố của hai bên được đưa ra trong bối cảnh ở Kiev và khắp châu Âu có những lo ngại rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể thúc đẩy một giải pháp hòa bình có lợi cho phía Nga. Không có quan chức Ukraine hay châu Âu nào có mặt tại cuộc gặp Mỹ-Nga.
Sau cuộc hội đàm tại Cung điện Diriyah ở Riyadh, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết hai bên đã đạt được thỏa thuận thành lập một nhóm cấp cao hỗ trợ các cuộc đàm phán hòa bình Ukraine và khám phá “những cơ hội sẽ xuất hiện sau khi cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc”.
Điều đó đánh dấu một bước đột phá đáng kể. Tham gia cuộc hội đàm gồm có Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, ông Yury Ushakov; ngồi ở phía đối diện là ông Rubio cùng Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz và ông Steve Witkoff, đặc phái viên của Tổng thống Trump tại Trung Đông.

Các quan chức Nga - Mỹ tại hội đàm ở Riyadh, Saudi Arabia.
Cuộc thảo luận đã nhấn mạnh những nỗ lực nhanh chóng của Mỹ nhằm ngăn chặn xung đột, gây báo động ở Kiev và trên khắp châu Âu. Không muốn bị gạt ra ngoài “cuộc chơi”, các lãnh đạo châu Âu đã họp tại Paris ngày 17/2 để thảo luận về khả năng đưa quân gìn giữ hòa bình tới Ukraine. Tuy nhiên, ngày 18/2, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã bác bỏ viễn cảnh về một động thái như vậy. Ông cho biết, việc triển khai quân đội thành viên NATO ở Ukraine, cho dù dưới danh nghĩa nào, là điều không thể chấp nhận được đối với Moscow. Nga đã nhiều lần bác bỏ ý tưởng đưa quân đội phương Tây vào Ukraine.
“Hôm nay, chúng tôi đã giải thích với các đồng nghiệp của mình về những gì Tổng thống Putin đã nhiều lần nhấn mạnh: rằng việc mở rộng NATO, việc liên minh NATO kết nạp Ukraine là mối đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Liên bang Nga, là mối đe dọa trực tiếp đến chủ quyền của chúng tôi”, ông Lavrov nói.
Các cuộc thảo luận tại Riyadh đánh dấu nỗ lực cấp cao đầu tiên nhằm đàm phán chấm dứt cuộc chiến Ukraine. Bất chấp sự bùng nổ của hoạt động ngoại giao, người ta biết rất ít về kế hoạch hòa bình của ông Trump dành cho Ukraine, và cuộc họp hôm 18/2 cũng đưa ra rất ít manh mối. Hai bên đều đưa ra những tuyên bố được diễn đạt cẩn thận khi kết thúc hội đàm. Ông Rubio cho biết, cuộc họp là "bước đầu tiên của một hành trình dài và khó khăn", đồng thời nói thêm: "Việc chấm dứt xung đột Ukraine phải được tất cả những bên liên quan chấp nhận, bao gồm Ukraine, châu Âu và Nga”. Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga, cho biết hai bên đã bắt đầu lắng nghe nhau nhưng vẫn còn quá sớm để nói về thỏa hiệp.
Trước cuộc hội đàm, các quan chức Nga nói rằng Nga sẽ theo đuổi "bình thường hóa" với Mỹ và đặt nền tảng cho một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine. Thậm chí, trước khi cuộc họp bắt đầu, Mỹ đã đưa ra một số nhượng bộ đáng kể, chẳng hạn như Ukraine sẽ phải từ bỏ tham vọng vào NATO và chấp nhận mất lãnh thổ.
Tổng thống Putin chưa bình luận công khai về cuộc hội đàm này nhưng đã nói với ông Trump trong một cuộc điện đàm trước đó rằng Nga muốn “giải quyết gốc rễ của xung đột”. Một số nhà quan sát tin rằng, điều này cho thấy Nga có thể không chỉ tập trung vào Ukraine mà thay vào đó có thể tìm cách định hình lại an ninh châu Âu rộng hơn.
Các yêu cầu của Moscow có thể giống với thời điểm trước khi chiến dịch quân sự diễn ra vào năm 2022: rằng Ukraine phải áp dụng quy chế trung lập và NATO phải dừng triển khai vũ khí cho các quốc gia thành viên đã gia nhập sau năm 1997, khi liên minh bắt đầu mở rộng sang Đông Âu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhiều nước Đông Âu bao gồm Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic như Latvia, Lithuania và Estonia.
Sau cuộc hội đàm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã đưa ra các điều kiện mới cho hòa bình, nói rằng Nga đang yêu cầu “không chỉ cam kết từ chối tư cách thành viên NATO của Ukraine mà còn hủy bỏ tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm 2008 hứa hẹn Kiev sẽ trở thành thành viên cuối cùng mà không có mốc thời gian cụ thể”.
Các quan chức Ukraine không được mời tham dự các cuộc đàm phán. Trong chuyến thăm Ankara, Tổng thống Zelensky đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ông cho biết Ukraine “sẽ không chấp nhận kết quả của các cuộc đàm phán về cách chấm dứt chiến tranh với Nga được tổ chức “sau lưng Ukraine”. Tổng thống Ukraine nói với các phóng viên rằng không thể đưa ra quyết định nào nếu không có Kiev về cách chấm dứt chiến tranh và rằng ông sẽ luôn bác bỏ “tối hậu thư” của ông Putin. Trong động thái gay gắt hơn, ông Zelensky đã bác bỏ ngay lập tức đề nghị thỏa thuận khai thác khoáng sản đất hiếm để đổi lấy tiền viện trợ của phía Mỹ dành cho Ukraine.
Ngày 20/2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nói với hãng tin Bloomberg rằng chính quyền Mỹ có thể điều chỉnh các lệnh trừng phạt đối với Nga để “đáp lễ” các cuộc đàm phán hòa bình Ukraine trong tương lai. Ông Bessent cũng tham gia nhóm ngày càng đông đảo những tiếng nói của Mỹ chỉ trích Tổng thống Ukraine Zelensky vì những lời chỉ trích của ông đối với Tổng thống Trump, nói rằng “thật không may là ông ấy đã leo thang” và “làm mất đi sự trong sáng” giữa Ukraine và Mỹ, gọi những phát biểu của ông là “không phù hợp”.
Ông cho biết thất vọng trước việc không có tiến triển trong thỏa thuận khoáng sản giữa Ukraine với Mỹ. “Khi tôi gặp Tổng thống Zelensky, ông ấy đã đảm bảo với tôi rằng ông ấy sẽ ký thỏa thuận khoáng sản tại Munich. Nhưng, ông ấy đã không làm vậy”, ông Bessent nói với Bloomberg Television và nói thêm ông Trump đã có "một kế hoạch rất tao nhã" để "đưa người Ukraine đến gần Mỹ hơn" thông qua một thỏa thuận kinh tế, nhưng giờ đây nó đã trở thành "một trò hề truyền thông".